'Căn nhà quạt' của nghệ nhân xứ Đoài

Căn phòng chưa đầy 40 m2 lại có thể chứa hàng trăm chiếc quạt có chiều dài 1 m cùng một thời điểm. Cũng tại nơi đó, nghệ nhân Dương Văn Mơ (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) đã thiết kế chiếc quạt dài 9 m, giành kỷ lục tại Việt Nam.

Ghé thăm ngôi nhà nghệ nhân Dương Văn Mơ vào những ngày cuối tháng 5. Cái nắng như đổ lửa, khiến ngôi nhà rộng chừng 40 m2 của ông nóng nực hơn thường ngày. Thật bất ngờ, khi bước vào căn gác nhà nhỏ của ông, toàn bộ nơi đây tràn ngập các loại quạt với đủ màu sắc khác nhau. Ông khoe: "Thế này còn ít, nhiều hôm trước căn nhà này có tới 500 chiếc quạt, nhưng cách đây hai ngày đã xuất sang Pháp rồi". Theo người nghệ nhân Mơ, chiếc quạt làng Chàng đã được gắn với rất nhiều câu chuyện cổ tích, ngày xưa có "hội đồng tiên quạt", vì lương duyên nên kết quạt để giải tâm phiền: Câu thơ xưa được ông ngâm lên để giải thích cho xuất xứ nghề làm quạt the ở làng mình: "Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên/Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền/Phiền tâm quạt, tay đưa gió/Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên". Những năm 1950, ông đã bắt đầu làm quạt, khi đó ông đang theo học tại trường trung học Sơn Tây, thời điểm đó chỉ cho phép làm những chiếc nhỏ, tuy nhiên do chiến tranh tàn phá nên công việc làm quạt không được suôn sẻ. Sau năm 1975, làng quạt Chàng Sơn được hồi phục, nhiều gia đình đã mở rộng xưởng làm quạt, xuất đi nhiều vùng miền trên đất nước, thậm chí ra nước ngoài. Từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng, từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Người làm quạt giỏi được phong chức Bá Hộ (phẩm hàm cấp cho hào lí hoặc người giàu có thời phong kiến). Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông là lần làm chiếc quạt để tham gia Lễ hội phố hoa, Hà Nội. Chiếc quạt có chiều dài 9 m và cao 4,5 m, đã được xác lập là chiếc quạt lớn nhất Việt Nam. Theo lời ông kể ban đầu dự định làm chiếc quạt dài 10 m nhưng do: "Cái sân nhà tôi dài 9 m nên chiếc quạt không có chỗ hong phơi, đành rút gọn xuống còn 9 m". Để làm chiếc quạt trên ông và con trai, là nghệ nhân Dương Văn Đoàn đã phải bỏ công sức làm hơn 1 tháng. Chiếc quạt rộng to đến mức phải 4 người ôm mới xuể. Trước kia, yếu tố đánh giá một chiếc quạt tốt dựa vào độ bền và tính thẩm mỹ của chiếc quạt. Lúc đó chưa có keo như bây giờ, họ dùng quả cậy (quả hồng con) để dán giấy và làm nan, vì chúng có độ bền rất tốt. Tuy nhiên, hiện quả cậy ngày càng hiếm, vì vậy chủ yếu là dùng keo dán. Nan quạt tốt phụ thuộc vào nguyên liệu, đó là những gốc tre được ngâm hàng tháng dưới nước và đặc biệt cây tre không được gãy đầu, giấy phất quạt phải là loại giấy dó, chuẩn nhất vẫn là giấy dó làng Bưởi. The được làm từ lụa, thứ lụa chính cống của Hà Tây. Quạt có nhiều loại: quạt giấy, quạt ghép, quạt the... Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quạt the. Tiếng lành đồn xa, những chiếc quạt do chính tay ông làm đã “khiến” nhiều ông Tây, bà Tây lặn lội về xứ quạt chàng Sơn để gặp ông. Cách đây một năm, có một người Nhật Bản, đã khăn gói đến tận nhà ông để đặt quạt. Ông Mơ kể với giọng tự hào: “Tình cờ đi trên một chuyến máy bay, người Nhật Bản đó đọc được thông tin về làng quạt Chàng Sơn trên cuốn tạp chí truyền hình. Ông ta liền hủy chuyến bay về Nhật Bản và đi ô tô một mạch về đây tìm tôi để đặt hàng”. Năm 2009, ông còn nhận được đơn đặt hàng 60.000 chiếc từ một người Pháp, và hiện còn nhiều đơn hàng khác đến từ Hàn Quốc. Thành công cứ đến với ông, rồi ông lại chợt thở dài: "Chỉ tiếc chưa có người nào thật sự thích hợp để giữ được mãi cái cốt cách làm quạt của Chàng Sơn, bởi làm quạt cũng cần có cái tâm". Công việc bận rộn, nhiều lần không đủ thời gian để vẽ tranh, ông phải mướn đứa cháu đang theo học trường Mỹ Thuật Công nghiệp vẽ hộ, hai ông cháu ngày đêm hì hục trên căn gác xép, tô thắm cho những chiếc quạt có hồn hơn. Có vậy giá trị của chiếc quạt đã nâng lên một tầm cao mới, trở thành những bức tranh sống động, có hồn, có cá tính và điều đó cũng biểu thị cho "gu" thẩm mỹ của người sử dụng và của người sản xuất ra chiếc quạt, thậm chí, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của một dân tộc. Có thể thấy những người thợ làm quạt như ông Mơ còn như một nhà điêu khắc, một nhà hội họa, và đặc biệt am hiểu nghệ thuật sơn mài... Hiện ông làm những chiếc quạt dài 1 m để đưa vào Củ Chi, TP HCM, ông nói Làm một chiếc quạt như vậy mất 2-3 ngày, vì chúng đều được làm thủ công. Còn quạt của Trung Quốc chủ yếu làm bằng máy nên độ bền không bằng quạt Chàng Sơn. Ở Hà Nội quạt làng Vác cũng là một làng nghề nổi tiếng nhưng không đẹp bằng quạt Chàng Sơn do nhiều họa tiết còn sơ sài. Đất Việt giới thiệu một số mẫu quạt tại căn gác xép nhỏ của nghệ nhân Dương Văn Mơ: Mục Chu

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/congdongviet/Can-nha-quat-cua-nghe-nhan-xu-Doai/20105/94843.datviet