Cân nhắc kỹ quy định hỗ trợ cho hoạt động PCCC và CNCH từ Quỹ phòng chống thiên tai

Tiếp tục chương trình của Phiên họp thứ 33, sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về Dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

 Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Bổ sung thêm quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, hoạt động CNCH của lực lượng PCCC và CNCH có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH...

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phần nội dung phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phần nội dung phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Đồng thời, qua rà soát các luật hiện hành cho thấy, đối với hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC và CNCH đang thực hiện như sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật…

Từ phân tích nêu trên cho thấy, cần phải quy định đầy đủ trong dự thảo Luật PCCC và CNCH các nội dung về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC và CNCH đang thực hiện và chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự…

 Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày tờ trình tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày tờ trình tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được bố trí từ trung ương đến cơ sở. Ở trung ương có Cục Cảnh sát PCCC và CNCH trực thuộc Bộ Công an (trong đó đã thành lập Phòng CNCH), có Trường Đại học PCCC đào tạo chuyên sâu về công tác PCCC và CNCH.

Cùng với đó, tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều xây dựng, bố trí lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH với các phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, các đội Cảnh sát PCCC và CNCH trung tâm, khu vực và các đội, tổ Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ PCCC và CNCH.

Theo thống kế trong 10 năm trở lại đây, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH được 20.857 vụ; trong đó thực hiện CNCH đối với 13.613 vụ cháy; cứu được 6.468 người; tìm kiếm được 3.129 xác nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.

Cân nhắc kỹ quy định hỗ trợ cho hoạt động PCCC và CNCH từ Quỹ phòng chống thiên tai

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QPAN nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH với những lý do đã được Chính phủ nêu trong Tờ trình…

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Phân tích những nội dung cụ thể, Ủy ban QPAN cho rằng, về hoạt động phòng cháy (Chương II), quy định của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với vị trí, vai trò của các chủ thể trong công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…

Về hoạt động chữa cháy (Chương III), Ủy ban QPAN cho rằng, các quy định về chữa cháy tại Chương III đã cơ bản đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động chữa cháy. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tại Điều 26 để làm rõ trách nhiệm thanh toán chi phí sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khi thực tập phương án chữa cháy của cơ quan Công an và phục vụ công tác chữa cháy; làm rõ việc bố trí các trụ nước chữa cháy trên mạng lưới cấp nước tập trung hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hay tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cấp nước; bổ sung quy định cho phép người chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 28 được quyền “cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy”.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Về hoạt động cứu nạn, cứu hộ (Chương IV), Ủy ban QPAN cho rằng, hoạt động CNCH tại Chương IV của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác CNCH. Để làm rõ hơn các quy định này, bảo đảm tính khả thi, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung đầy đủ, cụ thể hơn các quy định về hoạt động CNCH, thể hiện rõ phạm vi hoạt động CNCH trong Luật này; cân nhắc quy định về CNCH trong đám cháy vì việc CNCH khi có cháy là một biện pháp trong hoạt động chữa cháy, được thực hiện theo quy trình khác với các hoạt động CNCH khác.

Về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Chương V), Ủy ban QPAN đề nghị nghiên cứu để quy định rõ nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC và CNCH cơ sở, lực lượng PCCC và CNCH chuyên ngành cho phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của các lực lượng này và thống nhất với quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vừa được Quốc hội thông qua; có chính sách phù hợp để khuyến khích, phát triển PCCC tình nguyện...

Về đảm bảo điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Chương VII), Ủy ban QPAN cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật, đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về chế độ, chính sách cho người tham gia chữa cháy và người tham gia CNCH; cân nhắc kỹ tính hợp lý của quy định hỗ trợ cho hoạt động PCCC và CNCH từ Quỹ phòng chống thiên tai; nghiên cứu, thể hiện rõ và đầy đủ hơn các nguồn đầu tư và cơ chế để huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho công tác PCCC và CNCH; xem xét tính khả thi của việc quy định giao cho Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm vụ chi bảo đảm cho PCCC và CNCH.

Cùng với đó, cần làm rõ sự cần thiết và bổ sung quy định cụ thể về điều kiện đối với từng hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định; bổ sung quy định cụ thể hơn về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện PCCC và CNCH cũng như đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ trong PCCC, CNCH...

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/can-nhac-ky-quy-dinh-ho-tro-cho-hoat-dong-pccc-va-cnch-tu-quy-phong-chong-thien-tai-157820.html