Cần nhân rộng mô hình liên kết sản xuất

Sáng qua (15/8), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến làm việc với tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang về tình hình sản xuất lúa vụ thu đông (TĐ), cây ăn trái, mía và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC).

Tại Kiên Giang, đoàn đã đi thăm cánh đồng mẫu lớn (CĐML), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ lò sấy lúa thuộc địa bàn huyện Giồng Riềng. Ông Lê Hoàng Thống, Chủ nhiệm HTX Thạnh Tiến (xã Thạnh Bình, Giồng Riềng) cho biết, HTX có diện tích 130 ha, vụ TĐ này gieo sạ toàn bộ giống OM 4218, đến nay lúa sinh trưởng tốt.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm mô hình cây ăn trái tại
xã Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang

Để chủ động sản xuất, các xã viên HTX đã cùng nhau góp vốn đầu tư hệ thống trạm bơm điện trị giá 240 triệu đồng, Trung tâm KN-KN Kiên Giang hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng kiên cố hóa trạm bơm. Nhờ đó, đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa cũng như khi lũ đổ về, giảm chi phí trong sản xuất.

Mô hình lò sấy giải quyết tốt khâu sau thu hoạch cho xã viên, đồng thời còn làm dịch vụ cho các thương lái thu mua lúa từ nơi khác đến, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Trần Quang Củi cho biết, theo kế hoạch vụ TĐ 2013 toàn tỉnh xuống giống 80.000 ha, tuy nhiên đến nay nông dân đã xuống giống vượt kế hoạch. Hiện lúa đang trong giai đoạn đòng, trổ, sẽ thu hoạch dứt điểm vào tháng 9, trước khi nước lũ đổ về.

Thứ trưởng đánh giá cao mô hình làm kinh tế của HTX, xã viên cùng nhau góp vốn, cùng liên kết xây dựng quy trình sản xuất theo mô hình CĐML. Cách làm của HTX không chỉ đảm bảo sản xuất an toàn, giảm giá thành sản xuất mà còn nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho xã viên. Vì vậy, địa phương cần có chính sách để nhân rộng mô hình này.

Tại Hậu Giang, đoàn đã làm việc với Sở NN-PTNT, Ban Quản lý Khu NNCNC để nghe báo cáo về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã gieo sạ được 49.648/52.000 ha lúa TĐ, chủ yếu là các giống có chất lượng cao như: OM 5451, OM 4218, OM 6976…

Việc gieo sạ chưa đạt kế hoạch đề ra là do ảnh hưởng của tình hình mưa bão ngay vào thời điểm xuống giống, đã làm trên 2.000 ha bị thiệt hại phải gieo sạ lại.

Nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Hậu Giang đã thống nhất xác định chọn 10 loại nông sản chủ lực để xây dựng các vùng chuyên canh, tập trung gồm: lúa, mía, cam sành, bưởi, chanh không hạt, khóm, xoài cát, quýt đường, cá thác lác, rô đồng.

Tuy nhiên, để phát triển ổn định các sản phẩm này, tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ để hoàn chỉnh hệ thống đê bao vùng sản xuất lúa TĐ, mía, cây ăn trái; hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Về Khu NNCNC, việc triển khai hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do đây là lĩnh vực còn rất mới, chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực công nghệ cao còn thiếu và chưa có chính sách thu hút. Vì vậy, việc triển khai xây dựng các công trình xây dựng cơ bản chưa được triển khai do không được bố trí vốn.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý tỉnh Hậu Giang cần quan tâm đẩy mạnh chuyển giao áp dụng các biện pháp kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa để giảm giá thành sản xuất lúa. Vì hiện nay, Hậu Giang là tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao so với các tỉnh, thành ở ĐBSCL. Về cây mía cần sớm hoàn thiện hệ thống đê bao, hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng nhằm đảm bảo thu nhập ổn định.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo ngành nông nghiệp Hậu Giang cần tập trung mọi biện pháp để bảo vệ lúa TĐ, nhất là phòng trừ dịch bệnh và ngập úng khi lũ đổ về.

Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ ĐX sắp tới, đặc biệt là nguồn giống. Về lâu dài, cần triển khai đồng bộ các biện pháp để hạ giá thành sản xuất bằng cách giảm lượng giống, thuốc BVTV, phân bón, áp dụng khoa hoc kỹ thuật… Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/113974/can-nhan-rong-mo-hinh-lien-ket-san-xuat.aspx