Cần nhiều nguồn lực hơn nữa

Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) trong CNVCLĐ giai đoạn 2009-2011 của Tổng LĐLĐVN diễn ra ngày 11.11 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Hoàng Ngọc Thanh khẳng định công tác này mới chỉ thực hiện có hiệu quả tại khu vực kinh tế nhà nước và đơn vị hành chính sự nghiệp. Đến nay, trong CNVCLĐ vẫn còn trên 4.800 người nghiện ma túy và trên 1.000 CNLĐ nhiễm HIV.

Kiên trì phương châm “lấy phòng ngừa là chính”

Theo đánh giá, giai đoạn 2009-2011, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, phòng, chống TNXH Tổng LĐLĐVN đã kiên trì với quan điểm “Lấy dự phòng là chính, công tác thông tin-giáo dục-truyền thông là then chốt, chủ động nâng cao ý thức tự bảo vệ cho CNVCLĐ và gia đình họ ngay từ khi trong cơ quan, đơn vị, DN chưa có người phạm tội, nghiện ma túy, chưa có người nhiễm HIV/AIDS”.

Toàn hệ thống CĐ đã ban hành 1.785 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có nội dung cụ thể. Công tác tuyên truyền giáo dục CNVCLĐ ở lĩnh vực này được triển khai đồng bộ, đa dạng, hiệu quả với trên 2,6 triệu lượt người tham gia thông qua hội nghị, truyền thông trực tiếp, sinh hoạt CLB... Đối tượng tuyên truyền được tập trung chủ yếu vào CNLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đây cũng là lực lượng LĐ trẻ, phần lớn xuất thân từ nông thôn, mới tham gia vào thị trường LĐ, non nớt về kinh nghiệm sống, dễ bị sa ngã trước cám dỗ của các TNXH, lây nhiễm HIV/AIDS.

Mô hình tổ tự quản tại khu nhà trọ của CNLĐ bước đầu phát huy tác dụng phòng, chống tội phạm hiệu quả. Điển hình là các LĐLĐ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM. Đây là mô hình truyền thông giúp NLĐ hiểu biết về chính sách, pháp luật; được cung cấp kiến thức, kỹ năng sống để làm việc và phòng, chống tội phạm, ma túy...

Tại Đồng Nai, 19 khu nhà trọ không TNXH được xây dựng, không chỉ góp phần ngăn ngừa các tệ nạn tiêu cực mà thực sự trở thành mô hình bảo vệ trật tự trị an, phòng, chống tội phạm có hiệu quả...

Phối hợp với chủ DN

Việc phối hợp với chủ DN tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh LĐSX và các hoạt động khác để nâng cao mức sống cho CNVC là một giải pháp mang tính chiến lược, giúp NLĐ và con em họ tránh được cạm bẫy của TNXH.

Từ nhận thức này, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, các cấp CĐ đã triển khai các hoạt động hỗ trợ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống. Từ 2009-2011 có 132.668 lượt người và hộ gia đình được tham gia chương trình “Mái ấm CĐ”, “Xóa đói giảm nghèo” của CĐ.

Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại DN cũng được đẩy mạnh và thu được kết quả khá khả quan. Trong 3 năm (2009-2011), có 19.818 đơn vị, DN triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS, TNXH tại nơi làm việc. Ngân sách CĐ đã chi gần 10 tỉ đồng trong tổng số trên 30 tỉ đồng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm và TNXH.

Tuy nhiên, công tác vận động các DN sắp xếp, bố trí việc làm cho người sau cai nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, tại Cụm công nghiệp Nhị Xuân (TPHCM) có 2.000 học viên sau cai được giới thiệu về làm việc tại 14 DN. Theo báo cáo của LĐLĐ TPHCM, sau đó ít lâu chỉ còn 107 người ở lại làm việc, số còn lại đã nghỉ việc về địa phương với nguyện vọng hồi gia để phụ giúp gia đình.

Mặt khác, đối với CNLĐ trong các DN khu vực kinh tế ngoài nhà nước và DN FDI cũng như CNLĐ làm việc ở vùng sâu, vùng xa thì công tác chỉ đạo trong lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Có nơi còn coi đây là nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách. Việc tổ chức tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, một số nơi người sử dụng LĐ chưa tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho công tác này.

Kiều Vũ

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/can-nhieu-nguon-luc-hon-nua/66580