Cần phải sửa Luật Sở hữu trí tuệ

Ngày 19/5, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT- Bộ Khoa học và công nghệ) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về SHTT, phát huy vai trò của quyền SHTT đối với sự phát triển kinh tế- xã hội.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.Nụ

Theo báo cáo của Cục SHTT, sau khi Luật SHTT được ban hành năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009, đến nay Chính phủ đã ban hành 16 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật SHTT. Theo đó, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ NN&PTNT đã chủ trì xây dựng 19 thông tư và thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật SHTT. Ngoài ra có 34 văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác cũng có một số quy định liên quan đến lĩnh vực SHTT.

Trong giai đoạn từ 1/2006 đến 12/2016, Cục SHTT đã tiếp nhận 403.914 đơn đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng quyền SHCN, cấp 231.765 văn bản bảo hộ đối với các đối tượng quyền SHCN; tiếp nhận 11.349 đơn khiếu nại liên quan đến hoạt động xác lập quyền SHCN và tiến hành xử lý 6.475 đơn. Cùng với đó, số lượng đơn được Cục SHTT xử lý gia tăng hàng năm cho thấy những nỗ lực của Cục SHTT trong công tác xử lý đơn.

Theo số liệu thống kê của ngành Tòa án, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại Tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng nghìn các vụ xâm phạm quyền bị xử lý bằng biện pháp hành chính. Theo đó, Tòa án nhân dân đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 168 vụ, trong đó có 158 vụ tranh chấp về quyền tác giả, 10 vụ tranh chấp quyền SHCN. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 200/235 vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại liên quan đến SHTT, giải quyết 24 vụ án hành chính trong lĩnh vực SHTT; thụ lý sơ thẩm 21 vụ với 33 bị cáo, đã xét xử 13 vụ với 22 bị cáo, trong đó có 12 vụ với 20 bị cáo về tội xâm phạm quyền SHCN.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, Luật SHTT được Quốc hội thông qua năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt- tài sản trí tuệ. Qua 10 năm đi vào thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất- kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, ông Trần Việt Thanh cho rằng, qua 10 thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật SHTT chưa đảm bảo tính kịp thời. Một số văn bản chậm được xây dựng, hoặc được xây dựng, sửa đổi, bổ sung trong thời gian dài, chất lượng chưa cao; các văn bản chưa thực sự tương thích với các điều ước quốc tế liên quan. Bên cạnh đó, còn tồn tại một số bất cập trong quy định của pháp luật về kiểm tra nghiệp vụ đại diện SHTT và trong việc tổ chức kiểm tra nghiệp vụ đại diện SHCN.

Ông Trần Việt Thanh nhấn mạnh, SHTT là lĩnh vực mang tính chuyên ngành sâu, rộng và phức tạp, có liên quan đến nhiều bộ, ngành và đòi hỏi phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của toàn bộ hệ thống các văn bản pháp luật về SHTT đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng văn bản. Mặt khác Hoa Kỳ rút khỏi TPP đã tạo sức ép về việc sửa đổi văn bản pháp luật về xây dựng hệ thống SHTT trở nên cấp bách nhằm đảm bảo quyền lợi xã hội, nhân dân phục vụ công cuộc hiện đại hóa- công nghiệp hóa đất nước.

Tại hội nghị, đại diện của một số cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đều cho rằng, để hạn chế biện pháp xử lý hành chính chuyển dịch sang biện pháp dân sự nhằm nâng cao ý thức chủ động của DN và nhận thức của cộng đồng cần phải sửa đổi Luật SHTT.

Hồng Nụ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-phai-sua-luat-so-huu-tri-tue.aspx