Cần quy định rõ về tội dâm ô để đưa kẻ vi phạm ra tòa

VKSND Tối cao kiến nghị cần phải cụ thể hóa khái niệm, giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về thế nào là hành vi dâm ô trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Ngày 27-3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên điều trần về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết năm 2016 cả nước xảy ra 1.211 trẻ em bị xâm hại tình dục, tuy nhiên trong thực tế con số này còn lớn hơn.

"Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non; hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em; thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh; người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi; một số vụ hiếp dâm mang tính loạn luân như cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, cha đẻ hiếp dâm con gái ruột trong một thời gian dài..." - Thứ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Các vụ xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, nhưng theo bà Đào Hồng Lan, luật pháp về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống. Đặc biệt, pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em. Pháp luật tố tụng hình sự chưa có quy định đặc thù trong thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em...

Trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng tăng cao. Ảnh: VIẾT LONG

Trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng tăng cao. Ảnh: VIẾT LONG

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cho rằng loại tội phạm dâm ô đối với trẻ em thường ít để lại dấu vết, nạn nhân càng nhỏ tuổi thì việc thu thập chứng cứ lại càng khó khăn hơn. Với những trường hợp này, để thu thập chứng cứ, tiến tới khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố, xét xử là rất phức tạp. "Hiện nay trong Bộ luật Hình sự chỉ có những từ ngữ cơ bản, chung chung về tội danh dâm ô đối với trẻ em. Hầu hết các tài liệu đào tạo về luật pháp hiện nay thì từ "dâm ô" cũng chưa được mổ xẻ" - ông Phong phân tích.

Với những khó khăn trên, đại diện VKSND Tối cao kiến nghị cơ quan ban hành pháp luật cần phải cụ thể hóa khái niệm, phải giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về thế nào là hành vi dâm ô trong các văn bản pháp luật hiện hành. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, luật sư, cũng như toàn xã hội có căn cứ để xác định hành vi, đấu tranh với loại tội phạm dâm ô đối với trẻ em.

Bên cạnh đó, bà Đào Hồng Lan cũng cho rằng cần rà soát các quy định liên quan đến pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, luật giám định, tư pháp, đặc biệt là những quy định liên quan đến quy trình xét xử các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em. "Phải có những quy định riêng đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em để nhanh chóng, thuận tiện đảm bảo quyền lợi cho trẻ..." - bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

"Trong quý I-2017, BV Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là bốn tuổi..." - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang thông tin.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/can-quy-dinh-ro-ve-toi-dam-o-de-dua-ke-vi-pham-ra-toa-691437.html