'Cần sớm loại xe máy khỏi hệ thống giao thông TP.HCM'

Hằng năm, khoảng 8.700 người chết do xe máy, con số này tương đương với 43 vụ máy bay rơi, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho biết và đề nghị sớm loại xe máy khỏi hệ thống giao thông TP.HCM.

Kẹt xe trên đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ngày 10.4 - Ảnh: Đức Tiến

“TP.HCM hiện có khoảng 7,5 triệu xe máy, do thói quen dùng xe máy làm phương tiện đi lại chính của người dân, vì vậy mà TP phải cần hơn 91 triệu m2 đường, gấp 3,5 lần diện tích đang có mới đáp ứng đủ lượng xe máy hiện có hoạt động theo tốc độ cho phép”, PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng khoa kỹ thuật giao thông, Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM, phát biểu tại hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - thực trạng và giải pháp” tổ chức tại TP.HCM vào sáng 20.4.

Xe máy là 'kẻ chiếm đất' và 'hành xử như một con ngựa sắt chạy rông'

PGS.TS Phạm Xuân Mai dẫn báo cáo của Sở GTVT TP.HCM cho biết TP hiện có khoảng 7,5 triệu xe gắn máy, tăng gần 2 triệu xe so với năm 2011.

“Thời gian gần đây, mỗi năm lượng xe máy tăng khoảng từ 400.000 - 450.000 chiếc, tốc độ tăng trung bình hàng năm là 7 - 8%. Tính trung bình có 910 xe máy/1.000 dân, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới. Vì vậy, để giải quyết vấn đề giao thông ở TP.HCM, nhất thiết phải giảm sự lưu thông của xe máy ra khỏi hệ thống giao thông của thành phố”, PGS.TS Phạm Xuân Mai dẫn chứng.

Theo PGS.TS Mai, khi lưu thông, một người đi bộ chiếm 0,75m2/người; người đi xe đạp chiếm 6,7m2/người trong khi người đi xe máy chiếm đến 12m2/người. Với quỹ mặt đường hiện nay tại TP.HCM khoảng 26 triệu m2 là đã không đủ khả năng chứa 75% - 80% lượng xe gắn máy hoạt động đúng tốc độ cho phép.

“Do đó, tắc nghẽn giao thông xảy ra là tất yếu vì lượng xe lưu thông trên đường rất lớn, vượt quá khả năng chứa của mặt đường. Khác với xe ô tô, xe máy hoạt động rất “cá nhân”, hầu như không tuân thủ các luật giao thông mà hành xử như “một con ngựa sắt chạy rông”. Xe máy đang gây ra nhiều bất tiện, bất lợi và thiệt hại đối với cộng đồng nên nhất thiết phải giảm sự lưu thông của loại phương tiện này”, PGS.TS Mai nhấn mạnh khi cáo buộc "xe máy là kẻ chiếm đất".

Tình trạng kẹt xe ở TP.HCM diễn ra khá thường xuyên - Ảnh: Đức Tiến

Tại buổi hội thảo, báo cáo của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân Tộc học - Nhân học TP.HCM, cũng đưa ra tham luận việc đô thị hóa tự phát, di cư nông thôn đô thị ngày càng tăng đột biến các phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Điều này đã làm cho thành phố không còn quỹ đất để tăng diện tích giao thông.

Do đó, cần có những giải pháp thích hợp nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe mà muốn làm được điều đó trong điều kiện không thể can thiệp quá nhiều vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị thì tất yếu phải giảm lượng phương tiện lưu thông mà nhất là phương tiện lưu thông cá nhân, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đề nghị.

“Việc phương tiện xe máy tăng mạnh đã gây áp lực cho hệ thống giao thông đô thị, dẫn đến tình trạng quá tải, nạn kẹt xe, ùn tắc xe. Cụ thể, tình hình tai nạn giao thông tại TP.HCM trong những năm gần đây có diễn biến hết sức phức tạp khi số người chết mỗi năm từ 700 - 800 người và hàng ngàn người bị thương. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do xe máy gây ra khi chiếm 71%”, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho biết thêm.

Số người chết do xe máy tương đương 43 vụ máy bay rơi hằng năm

Phân tích về hành vi và tác hại của xe máy, PGS.TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh không nên và không được xem xe máy là một phương tiện giao thông ở Việt Nam. Bởi theo ông, tất cả các nước có nền giao thông và văn hóa phát triển, ngay cả như Nhật Bản, nơi đầu tiên sản xuất ra xe máy cũng không sử dụng loại xe này để đi lại.

PGS.TS Mai còn phân tích thêm một loạt những nguyên nhân vì sao cần phải hạn chế hoặc cấm xe gắn máy và không được xem đây là một loại hình phương tiện giao thông như: Hàng năm, có khoảng 8.700 người chết do xe máy, con số này tương đương với 43 vụ máy bay rơi hàng năm; Hơn nữa, xu hướng của các nước phát triển và đang phát triển đang xây dựng nền văn minh đô thị, trong đó có giao thông công cộng (tàu điện ngầm, xe buýt...) và xe ô tô con. Cũng theo PGS.TS Mai, ở một số thành phố lớn trên thế giới cũng có ùn tắc giao thông do ô tô con, nhưng là theo dòng, có trật tự văn hóa, không chen lấn...

Do vậy, PGS.TS Mai cho rằng TP.HCM cần nên đi theo quan điểm và xu hướng của các nước phát triển, xe máy không được xem như một loại hình giao thông cá nhân. Đồng thời, cần phải được hạn chế sao cho tỷ lệ tham gia giao thông của loại hình xe máy phải giảm xuống mức thấp dưới 40% và từ đó loại dần ra khỏi hệ thống giao thông của TP.HCM và Việt Nam.

TP.HCM hiện có khoảng 7,5 triệu xe máy - Ảnh: Đức Tiến

Đồng quan điểm, TS.Lương Hoài Nam cũng cho rằng cần hạn chế và tiến tới loại bỏ xe máy, phát triển mạnh xe buýt. Bởi vì việc xe máy tăng mạnh chính là nguyên nhân khiến giao thông công cộng kém phát triển.

Theo TS.Lương Hoài Nam, ở TP.HCM, bình quân trên 1 km đường thì có đến 2.000 xe máy vì thế xe buýt không còn làn đường thông thoáng để chạy nhanh, đúng giờ, an toàn. Do đó, cần tiến tới loại bỏ xe máy.

Để hạn chế được xe gắn máy ở TP.HCM, PGS.TS Mai và TS. Nam còn đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế xe máy hoạt động, giảm ùn tắc giao thông như: Thu phí lưu hành xe, phí kẹt xe, phí ô nhiễm môi trường. Hạn chế hay cấm xe gắn máy lưu thông trên các tuyến đường đã có hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, BRT hoạt động. Giảm hoặc ngừng nguồn sản xuất xe máy. Lấy loại hình giao thông công cộng làm chủ lực...”.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay trên địa bàn Thành phố có khoảng 4.869 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 4.000km. Tính đến ngày 15.3.2017, TP đang quản lý tổng cộng hơn 7,9 triệu phương tiện (trong đó 637.323 xe ô tô và hơn 7,3 triệu xe mô tô).

So với cùng kỳ năm 2016, lượng xe mô tô tăng 5,4% và tăng 63,4% so với cuối năm 2010. Cũng theo Sở GTVT, đây là con số chưa tính lượng phương tiện mang biển số các tỉnh đang lưu thông trên TP.HCM là khoảng 1 triệu phương tiện các loại.

Nguyễn Tiến - Nguyễn Tiến

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/can-som-loai-xe-may-khoi-he-thong-giao-thong-tphcm-827818.html