Cần sự uyển chuyển

(ANTĐ) - Sau mỗi khủng hoảng, mọi nền kinh tế phải tự đổi mới để khắc phục, giống như sau cơn “ốm nặng” cơ thể phải được bồi bổ, tăng sức để vượt qua chính mình.

Nước ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất của giai đoạn suy giảm kinh tế. Trong cuộc bứt phá gian nan này, có những quốc gia nỗ lực vươn lên được, ngược lại có những nước không thể rút chân ra khỏi vũng lầy. Bước vào 2010 Việt Nam sẽ có nhiều thách thức và cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách vĩ mô “trổ tài” biến thách thức thành cơ hội cho giới doanh nghiệp và người dân. Đầu Xuân Canh Dần, thị trường đã phát đi những tín hiệu không thể xem thường. Xăng đã tăng giá 590 đồng/lít. Giá vàng cũng tăng nhẹ. Trước đó, tỷ giá VND/USD đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng gần sát với giá thị trường. Giá xăng, vàng tăng là do giá cả thế giới tăng. Đây là điều bất khả kháng và xem ra không thể lựa chọn. Tăng tỷ giá được coi là biện pháp để hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế, “kìm cương” nhập siêu ngay từ tháng đầu năm nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2010. Điều đáng lo ngại nhất là sự gia tăng sức ép lên lạm phát khi mà doanh nghiệp sẽ phải chi phí cao hơn cho nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất. Song, chính tỷ giá tăng cũng là sức ép tốt để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tối đa đầu vào trong sản xuất. Người tiêu dùng đương nhiên cũng phải cân nhắc ưu tiên dùng hàng Việt Nam có giá rẻ hơn. Điều mà nước ta cần quan tâm là khi thế giới đang “rút chân” ra khỏi khủng hoảng thì Việt Nam lại phải tiếp tục “gồng mình” chống lạm phát cao, giảm nhập siêu, giải quyết vấn đề tỷ giá. Đó là một vòng tròn, bởi muốn tăng trưởng thì phải có đầu tư mà nước ta đã đầu tư nhà nước khá nhiều. Đầu tư, tung tiền ra dễ gây lạm phát. Lạm phát khiến tiền đồng mất giá thì người dân thường có tâm lý “tích cốc phòng cơ” bằng USD và bất động sản. Hai mặt hàng này tăng thì hàng nhập khẩu sẽ đắt hơn, người dân khó tiếp cận đất đai, vốn ít đổ vào sản xuất kinh doanh mà “dốc” vào bất động sản nhiều hơn. Rõ ràng đó là một vòng luẩn quẩn. Nếu tăng trưởng kéo theo lạm phát cao khó có thể nói là bền vững. Người thu nhập thấp với khoản tích cóp ít ỏi sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất. Chỉ khi lạm phát không tăng cao hơn mức tăng trưởng thì khu vực dân cư có thu nhập thấp mới được lợi. Vậy nước ta cần làm gì để năm Canh Dần và các năm sau sẽ bớt khó khăn, tạo bước đột phá mạnh mẽ? Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, nước ta cần làm thật tốt hai nhiệm vụ quan trọng. Một là kiên quyết tái lập các cân đối vĩ mô để tạo tiền đề cho các năm sau. Thước đo quan trọng nhất là mức lạm phát thấp trong năm 2010 và thấp hơn nữa trong các năm tới. Nếu buộc lạm phát hạ thấp xuống ngay thì sẽ cần chi phí xã hội rất đắt đỏ, mà đợt thắt chặt tiền tệ cách đây hơn một năm là một ví dụ. Ổn định được vĩ mô thì việc làm tiếp theo là tái cấu trúc nền kinh tế. Bởi vì đây là công việc không thể làm xong trong một vài tháng hoặc một năm. Trong sự ổn định vĩ mô sẽ nhìn thấy những vấn đề bản chất của nền kinh tế, tránh tình trạng tái cấu trúc lệch hướng. Tuy nhiên, bất cứ khi nào bình ổn vĩ mô và tái cấu trúc thì phải xác định trước là phải chấp nhận “hy sinh” tốc độ tăng trưởng. Thành công của năm 2010 sẽ phụ thuộc vào sự nỗ lực của giới doanh nghiệp là chính vì nguồn lực Nhà nước có hạn.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=68797&channelid=3