Cần sự vào cuộc của các cấp, ngành

Từ ngày 1-2-2017, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền với mức tăng từ 10 đến 25 lần. Dư luận đồng tình và mong muốn với sự vào cuộc của các cấp, ngành, quy định mới này sẽ thực sự phát huy hiệu quả.

Nhiều hành vi vi phạm bị phạt nặng

Theo Nghị định 155, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền, trong đó mức tối đa với cá nhân là 1 tỷ đồng; với tổ chức là 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, hành vi vứt, bỏ đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng. Vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Đối với vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh và dịch vụ tập trung, làng nghề và khu nuôi trồng thủy sản, cá nhân vi phạm bị phạt từ 5 đến 500 triệu đồng; vi phạm các quy định về xả nước thải bị phạt từ 300.000 đến 1 tỷ đồng; vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng...

Đặc biệt với vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển, Nghị định quy định phạt tiền từ 250 đến 500 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi đổ các loại hóa chất độc hại, chất thải rắn, nước thải không xử lý xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, vùng có hệ sinh thái tự nhiên mới, khu vực sinh sản thường xuyên hoặc theo mùa của các loài thủy, hải sản... Phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng đối với hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống vùng biển…

Lực lượng nào xử phạt?

Dù Nghị định đã chính thức có hiệu lực, song theo khảo sát của phóng viên ngày 1-2, tình trạng xả rác, hút thuốc nơi công cộng, tiểu bậy… vẫn phổ biến. Tại vỉa hè trước cửa hàng hoa tươi số 355 phố Kim Mã (quận Ba Đình) là đống rác thải vứt bừa bãi. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức, nhiều người nhà bệnh nhân vẫn thản nhiên hút thuốc trong khuôn viên của bệnh viện. Nhiều người dân khi được hỏi đều không biết có quy định này và cũng không thấy ai nhắc nhở hay xử phạt… Bình luận về quy định mới này, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho biết, việc tăng cường xử phạt đối với các hành vi vứt rác, xả thải bừa bãi, tiểu tiện không đúng nơi quy định… hết sức cần thiết đối với một đô thị văn minh. Tuy nhiên, việc xử phạt cần kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, ở các tầng lớp và độ tuổi khác nhau.

Theo ông Chử Văn Chừng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), việc tăng mức xử phạt để răn đe là cần thiết nhưng chưa đủ. Quan trọng là phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành. Mỗi cấp, ngành phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ cá nhân thực thi; xác định những vi phạm điển hình để tập trung xử phạt, sau đó công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục và vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành. Quy định đã có, vấn đề bây giờ là sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ dân phố, thôn, xóm. Có như vậy mới tạo ra chuyển biến mạnh.

Thanh Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/861625/can-su-vao-cuoc-cua-cac-cap-nganh