Cần tạo điều kiện giải quyết việc làm cho thương binh, bệnh binh

Năm 2014, do ảnh hưởng của việc bàn giao đất xây dựng Khu du lịch sinh thái Quảng Cư (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), việc làm của thương binh, bệnh binh, gia đình người có công, hộ nghèo trên địa bàn thiếu trầm trọng. Do vậy, Công ty Thương binh 27-7 Chiến Thắng (Công ty Chiến Thắng) đã trình cấp có thẩm quyền xin phép đầu tư thêm 70 xe điện để giải quyết việc làm. Song, gần một năm qua, 70 chiếc xe điện của Công ty Chiến Thắng vẫn phải 'đắp chiếu' vì chưa được cấp phép hoạt động.

Gửi đơn và trực tiếp trình bày tại tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Văn Chiến, thương binh hạng 3/4, Giám đốc Công ty Chiến Thắng vẫn chưa hết nỗi chua xót. Theo ông Chiến, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Thanh Hóa được thí điểm xe ô tô điện vận chuyển khách du lịch trên địa bàn TP Sầm Sơn. Công ty Chiến Thắng được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép hoạt động 100 chiếc xe điện. Qua đó 22 thương binh, bệnh binh, 100 con em gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo, cựu chiến binh được giải quyết việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Dàn xe điện 14 tỷ đồng của Công ty Chiến Thắng phải “đắp chiếu” trong mùa du lịch.

Năm 2014, do ảnh hưởng từ việc bàn giao đất để xây dựng Khu du lịch sinh thái Quảng Cư nên việc làm của thương binh, bệnh binh, gia đình người có công, hộ nghèo thiếu trầm trọng. Theo đó, Công ty Chiến Thắng có tờ trình gửi cấp có thẩm quyền xin phép đầu tư thêm 70 chiếc xe điện để giải quyết việc làm. Lúc này, chính quyền hứa khi nào các công trình giao thông xây dựng xong sẽ cho công ty phát triển thêm lượng xe. Đến năm 2015-2016, các hạng mục công trình giao thông phát triển, du khách đến TP Sầm Sơn tăng đột biến, nhu cầu đi lại của khách ngày càng nhiều hơn. Nhưng chờ mãi không thấy các cơ quan chức năng phúc đáp, tháng 9-2016, Công ty Chiến Thắng quyết định mua 70 chiếc xe điện, trị giá khoảng 14 tỷ đồng.

Trước đề nghị chính đáng của Công ty Chiến Thắng, tháng 3-2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Người có công, Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam đồng tình ủng hộ và có văn bản gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, giải quyết. Nhận được văn bản trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã hai lần có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ban, ngành và UBND TP Sầm Sơn xem xét kiến nghị của thương binh, bệnh binh và gia đình người có công. Ngày 24-3-2017, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc họp với UBND TP Sầm Sơn để tham mưu cho UBND tỉnh. Tại cuộc họp này, Sở GTVT thống nhất đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép tăng số lượng xe điện tại TP Sầm Sơn tối đa 10% mỗi năm, ưu tiên các đơn vị, cá nhân thuộc đối tượng chính sách nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Sở GTVT tỉnh cũng nêu rõ ý kiến: Trước mắt, năm 2017 chỉ cho phép tối đa 30 xe ra hoạt động trong khu vực hạn chế tại Cảng Hới, khu du lịch Quảng Cư đến đường Trần Nhân Tông. Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của du khách, theo sự phát triển du lịch của TP Sầm Sơn, đề nghị được tăng số lượng xe tối đa là 10%/năm; trong thời gian thí điểm, không bổ sung thêm đơn vị thực hiện thí điểm; ưu tiên đơn vị, cá nhân thuộc đối tượng chính sách.

Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết: "Mặc dù đã thống nhất việc đưa xe điện của công ty vào hoạt động nhưng đến nay TP Sầm Sơn vẫn chưa thực hiện và không đưa ra lý do rõ ràng. Mọi chuyện vẫn là lời hứa suông".

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hồng Cường, Phó trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa giải thích: “Sở GTVT không đủ thẩm quyền giải quyết việc này. Tuy cơ sở hạ tầng TP Sầm Sơn hiện nay rất phát triển, có đoạn tới 6 làn đường nhưng hiện nay chưa có chủ trương bổ sung thêm xe điện để phục vụ hoạt động vận chuyển khách du lịch”.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6939/UBND-CN ngày 20-6-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, tại TP Sầm Sơn có 431 xe điện liên quan tới 4 doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động… Qua khảo sát đánh giá cho thấy hoạt động còn tồn tại tình trạng chèo kéo, tranh giành khách, gây ùn tắc giao thông; hoạt động không đúng phạm vi cho phép. Để bảo đảm quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT chủ trì cùng với các ngành, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá nhu cầu vận tải bằng xe điện, nghiên cứu đề xuất lộ trình tăng xe điện sau năm 2017”.

Ngày 14-7, Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa có Công văn số 2005/CV-VPTU gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND TP Sầm Sơn nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều mặt, giải quyết thấu đáo nội dung phản ảnh của người lao động trong Công ty Chiến Thắng.

Việc đề nghị được đưa số xe điện đã đầu tư vào sử dụng, nhằm giải quyết việc làm cho con em thương binh, bệnh binh và gia đình người có công của Công ty Chiến Thắng là chính đáng. Báo Quân đội nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn sớm xem xét, giải quyết.

Bài và ảnh: HOÀNG HẢI - ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-tao-dieu-kien-giai-quyet-viec-lam-cho-thuong-binh-benh-binh-514052