Cẩn thận chưa mưa đã thấm

Mỗi lần Nhà nước rục rịch tăng một thứ gì đó dù là giá, thuế hay phí, người ta thường hay lo lắng câu chuyện “té nước theo mưa”. Trong thực tế, tất yếu khi tăng giá điện, giá rau thịt cũng “lên”; tăng giá xăng dầu, cước taxi, vận tải cũng tăng; tăng thuế, hàng hóa tiêu dùng phải nâng giá,... Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là vế trước tăng thì ít mà vế sau tăng thì nhiều.

Cách đây vài năm, Bộ Tài chính đã từng công bố kết quả kiểm tra về giá tại 21 DN, trong đó phát hiện có tới 4 DN tăng giá bán cao hơn so với mức tăng chi phí đầu vào.

Những lo ngại này lại được dấy lên một lần nữa khi gần đây, hàng loạt những đề xuất điều chỉnh chính sách thuế được tung ra. Khung thuế Bảo vệ môi trường của xăng dầu được đề nghị tăng lên; thuế Giá trị gia tăng cũng xin được tăng thêm 2% ở mức phổ thông; thuế Tiêu thụ đặc biệt của nhiều mặt hàng cũng được đề xuất tăng,... Cơ quan đề xuất các chính sách này đã đánh giá sự tác động đối với mặt bằng giá tiêu dùng sẽ không quá lớn, nhưng một số chuyên gia lại nhận định rằng các đề xuất này sẽ trở thành lực cản cho việc kích cầu tiêu dùng hộ gia đình cũng như tiêu dùng nội địa, gây khó khăn cho việc đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Tuy nhiên, ít ai để ý rằng những đề xuất nói trên hầu hết đến 2019 mới có hiệu lực, thậm chí nhiều nội dung còn chưa được “ghi danh” vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật. Thuế tăng khiến các mặt hàng tăng giá đã đành nhưng do tuyên truyền, do những nhận định còn thiếu thấu đáo, không đúng thời điểm, rất có thể “chưa mưa đã thấm”, Nhà nước chưa kịp thu thêm thuế thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngoài thị trường đã “có cớ” để tăng thu vào túi riêng.

Trong động thái mới nhất, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Như vậy, có thể thấy việc điều chỉnh thuế là nằm trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế, cũng như lộ trình đề ra cho quá trình tái cơ cấu NSNN. Trước mắt, chính sách thuế chưa có sự điều chỉnh. Hơn nữa, Bộ Tài chính hiện đang dự kiến giảm một loạt các phí, lệ phí trên nhiều lĩnh vực, nhằm tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình dự thảo chính sách, các cơ quan quản lý đã xin ý kiến rộng rãi để có cái nhìn đa chiều và lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp trước khi trình Chính phủ. Tiếp đó, các dự án Luật sẽ trình Quốc hội cân nhắc, bàn thảo kỹ lưỡng mới được thông qua. Thế nên, rất cần sự công bằng và tỉnh táo trong nhận định để tránh bị lợi dụng.

Đông Mai

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-than-chua-mua-da-tham.aspx