Cẩn thận đi chợ ngày giáp Tết - Bài 6: “Khan” thực phẩm khô?

(PL&XH) - Cứ Tết đến là mặt hàng thực phẩm khô lại bán chạy như “tôm tươi” và năm nay cũng không phải ngoại lệ. Phần lớn các mặt hàng như: Măng khô, tôm khô, hạt sen, lạc, mứt... đều tăng giá vào dịp giáp tết.

Giá tăng “vùn vụt”

Những ngày này, các mặt hàng thực phẩm khô được bày bán tại các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm... đã rục rịch tăng giá bởi tâm lý sợ “thiếu” nguồn cung cho Tết năm nay. Chị Kim Chi, một chủ quầy bán đồ khô ở chợ Vĩnh Hồ, cho biết, ngày Tết lượng thực phẩm khô bán tăng khá mạnh, đặc biệt là các sản phẩm như tôm khô, măng, hạt sen.... Phần lớn, người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng mặt hàng này bởi sự tiện lợi, nhất là thời gian trong dịp Tết, khi mà họ đang bận bịu với nhiều công việc khác.

Đồng quan điểm, chị Mai Chi, một tiểu thương ở chợ đầu mối Long Biên, cũng cho biết, phần lớn các “đầu nậu” đều đã thu gom hàng hóa từ cuối quý IV. Hàng hóa được thu gom và mua từ nhiều nơi khác nhau, tập trung chủ yếu ở các vùng cao và Trung Quốc. “So với năm ngoái, lượng hàng năm nay có vẻ dồi dào hơn nhưng nếu so với các năm trước thì vẫn còn kém xa. Kinh tế còn khó khăn như vậy thì làm gì có người nào dám ôm hàng, không bán được thì chết dở”, chị Chi chia sẻ thêm.

Khảo sát tại một số chợ như: Chợ Láng Hạ, chợ Cầu Giấy, chợ Thái Thịnh, nhìn chung giá bán mặt hàng khô đều tăng. Giá bán măng khô tăng khoảng 30.000 – 45.000 đồng tùy theo từng loại: Măng bướm được bán với giá khoảng 275.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với trước đây; măng lá đã tăng hơn 20.000 đồng/kg, giá bán dao động từ 230.000 – 245.000 đồng/kg; .... Trong khi đó, nấm hương và mộc nhĩ cũng tăng khoảng 15.000 – 25.000 đồng/kg. Giá bán một kg mộc nhi đang rơi vào khoảng 220.000 đồng/kg.

Đối với một số loại gia vị, giá cả cũng khá phong phú và đều tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Như một kg hạt tiêu xay sẵn đang được bán với giá 170.000 đồng/kg, hành khô được bán với giá hơn 130.000 đồng/kg, lạc nhân được bán gần 75.000 đồng/kg.

Về một số mặt hàng khô, giá cũng tăng nhẹ từ 5 – 8% so với giá bán thời điểm quý II. Một kg hạt dẻ có giá bán hơn 300.000 đồng/kg trong khi trước đó chỉ dao động không quá 285.000 đồng/kg. Hạt điều cũng vậy, giá bán dao động trên dưới 300.000 đồng/kg. Mặt hàng hướng dương cũng tiêu thụ khá mạnh trong dịp Tết, giá bán trung bình khoảng 70.000 đồng/kg, thậm chí có loại hướng dương trắng giá bán gần 100.000 đồng/kg. Các loại hạt bí, hạt dưa có tiêu thụ chậm hơn đôi chút, nhưng giá cũng đều tăng và được bày bán trên thị trường từ 160.000 – 210.000 đồng/kg tùy loại.

Sản phẩm mứt, kẹo dịp Tết năm nay tại các chợ tiêu thụ có vẻ “chậm”. Dù giá bán chỉ từ 75.000 – 140.000 đồng/kg tùy loại nhưng vẫn không được NTD lựa chọn. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân của điều này là do tâm lý NTD đã chuộng sản phẩm mứt, kẹo “nội” nhiều hơn là sản phẩm không rõ nguồn gốc, mà thực tế phần lớn xuất phát từ Trung Quốc.

Trong khi những mặt hàng khô và gia vị Tết đều chỉ tăng nhẹ thì những sản phẩm được dùng để chế biến nước canh, món ăn mặn lại “nhảy” khá cao, khoảng 20%. Hiện, giá bán cá khô trên thị trường khoảng 190.000 đồng/kg. Tôm khô dùng để nấu canh tiêu thụ khá mạnh: Tôm loại nhỏ giá gần 600.000 đồng/kg, tôm loại to có loại đến 1 triệu đồng/kg.

Chưa có quy định nào về giới hạn của chất bảo quản. Điều đó khiến cho mặt hàng thực phẩm khô đứng trước nhiều nguy cơ mất VSATTP. Ảnh: TL

Bình ổn giá?

Giá cả tăng dịp Tết là điều mà nhiều NTD đều biết và có thể lường trước được. Trong khi đó, một số tiểu thương cũng đã tích trữ đủ lượng hàng cần thiết để bán dịp giáp Tết. Về quan hệ cung – cầu năm này có cân bằng hơn đổi chút nhưng vẫn chịu áp lực bởi tâm lý và thói quen “Tết”, đó là “cầu” có tăng hay giảm thì giá vẫn phải tăng. Từ trước tới nay, điều này đã trở thành một quy luật.

Tết năm nay cũng vậy, TP Hà Nội cũng đã chuẩn bị khá kỹ phương án bình ổn giá và hỗ trợ người dân đón Tết. Theo Sở Công Thương Hà Nội, lượng hàng hóa dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 15 - 18% so với các tháng khác trong năm. Những mặt hàng như thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ dự kiến tăng hơn 20%.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Như Mai, PGĐ Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, phần lớn các doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội đã chủ động gom và dự trữ một lượng lớn hàng hóa để tổ chức bán ra thị trường dịp này, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Điều đó sẽ hạn chế được tình trạng “khan”, thiếu hàng hoặc bị “ùn ứ”, tồn đọng hàng hóa sau Tết.

Theo đó, số tiền dự kiến được dùng để dự trữ hàng hóa thiết yếu tại Hà Nội là hơn 600 tỷ đồng, đủ áp ứng nhu cầu của ít nhất 7 nhóm hàng. Điểm mới năm nay là gần như toàn bộ lượng hàng hóa phục vụ trong dịp Tết đều có nguồn gốc, xuất xứ tại Việt Nam, hay nói cách khác là do Việt Nam sản xuất.
Mặt khác, 13 DN tham gia chương trình bình ổn đã dự trữ đủ lượng hàng theo cam kết, như 1.500 lít dầu ăn, 6 triệu quả trứng gia cầm, 900 tấn thịt lợn, 29.000 tấn bánh, mứt, kẹo và gần 17 triệu lít sữa các loại.

Nói là vậy nhưng NTD vẫn chưa “cảm nhận” được sự bình ổn bởi họ vẫn phải mua hàng với giá khá cao. Không chỉ thế, họ còn khá lo ngại về vấn đề nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hay không? Những suy nghĩ đó của NTD hoàn toàn có cơ sở khi hàng loạt vụ vận chuyển gia vị, thực phẩm khô không rõ nguồn gốc bị bắt giữ trong những tháng cuối năm này.

Điểm nữa là lượng hàng tồn của năm ngoái vẫn thấy xuất hiện trên thị trường. Phần lớn hàng hóa được sử dụng lượng lớn chất bảo quản, mà ở đây là lưu huỳnh, để đảm bảo có thể cất giữ lâu hơn. Khi chất bảo quản hết tác dụng, các thương lái lại hấp và sấy mới lại liên tục để đảm bảo hàng hóa “đẹp”.

Trao đổi với PV, bà Hằng Nga, cán bộ hưu trí Viện Tai-mũi-họng Trung ương, cho biết, phần lớn thực phẩm khô hiện nay bán tại các chợ đầu mối đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, chứ không phải ở những tỉnh vùng cao như: Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang... Thêm đó, việc sử dụng chất bảo quản “tùy tiện” của các chủ buôn cũng là nguyên nhân có thể khiến cho NTD gặp “nạn” khi sử dụng.

Nhìn chung, các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực trong việc quản lý và kiểm soát hàng hóa cũng như bình ổn giá để người dân có thể yên tâm ăn Tết. Nhưng điều đó mới chỉ xử lý được “một vế”, những hàng hóa được bày bán qua kênh siêu thị, cửa hàng tiện ích.... Còn ở những chợ truyền thống, đặc biệt là chợ cóc, chợ tạm, vẫn đang rất thiếu sự quản lý và kiểm soát gắt gao từ các cơ quan chức năng. Hàng hóa được bày bán nơi đây nguồn gốc và chất lượng ra sao vẫn là “ẩn số” đối với NTD?

Đổi mới chương trình bình ổn giá dịp Tết Giáp Ngọ

Năm nay, TP Hà Nội sẽ có 610 điểm bán hàng bình ổn giá, hơn 1.600 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học.
Đồng thời, TP cũng tổ chức 150 điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu sắm Tết của nông dân và công nhân, đưa hàng hóa bình ổn giá về các vùng nông thôn, khu công nghiệp và khu chế xuất. Đây là những hoạt động thường xuyên trong dịp lễ Tết của TP Hà Nội.

(còn nữa)

Nguyễn Tuấn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2014011911073249p1005c1024/can-than-di-cho-ngay-giap-tet-bai-6-khan-thuc-pham-kho.htm