Cần thêm 'cú hích' cho đồng bào Mảng ở Nậm Nhùn

Theo số liệu thống kê của UBND xã Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), trong tổng số gần 400 hộ với khoảng 2.100 nhân khẩu đang sinh sống trên địa bàn xã, có tới phân nửa là đồng bào dân tộc Mảng. Hiện, trong 6 bản 'thuần Mảng' trên địa bàn xã, do còn giữ thói quen canh tác lạc hậu nên tỷ lệ đói nghèo còn rất cao. Trước thực trạng này, đồng bào đang rất cần thêm 'cú hích' để phát triển.

Những đứa trẻ người Mảng đang phải chịu quá nhiều sự thiệt thòi. Ảnh: Ánh Tuyết

Còn nhiều điều đáng lo

Không chỉ ở riêng Nậm Pì, hiện nay, cuộc sống của 626 hộ dân tộc Mảng với tổng cộng 2.938 nhân khẩu sinh sống tại 14 bản thuộc 5 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thuộc huyện Nậm Nhùn (gồm các xã: Hua Bum, Nậm Ban, Nậm Pì, Trung Chải, Nậm Hàng) phần nhiều phải dựa vào những đám lúa nương nhỏ lẻ nên tình trạng thiếu đói xảy ra thường xuyên. Đơn cử như ở Nậm Ban, theo thống kê của UBND xã, trong số hơn 120 hộ đồng bào dân tộc Mảng cư trú trên địa bàn, hiện có tới 70% thuộc diện nghèo đói, mặc dù Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, hệ thống thủy lợi canh tác và được chính quyền huyện, tỉnh thường xuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho đồng bào.

Mặc dù cuộc sống nhiều gia đình còn khó khăn, nhưng điều tréo ngoe là tệ nạn uống rượu vẫn diễn ra tràn lan ở những nơi người Mảng quần tụ, sinh sống. Điều đáng nói là, phần lớn những người đàn ông tham gia tệ nạn này đều là lao động chính trong gia đình. Có khi hàng ngày đi rừng kiếm được vác củi, nếu đem bán sẽ được vài ba chục nghìn đồng để mua gạo lo cuộc sống gia đình, nhưng họ mặc kệ con cái nheo nhóc, mang đổi lấy rượu uống. Anh Lò Văn Suông, ở bản Huổi Van 1, xã Nậm Hàng cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ rất nhiều lương thực, con giống, vật nuôi để đồng bào Mảng nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng rất nhiều hộ vẫn chìm trong đói nghèo. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì thói quen uống rượu nhiều, sinh ra tâm lý "đói không lo, no không mừng".

Còn theo bà Chìn Me Long, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Ban, tập tục uống rượu của cộng đồng dân tộc Mảng có từ xa xưa, nhưng chưa khi nào họ uống nhiều như bây giờ. Hầu như tất cả đàn ông trong các bản người Mảng ở Nậm Ban đều thích uống rượu. Nhiều người đi làm về, việc đầu tiên là ghé qua hiệu tạp hóa mua chịu rượu. "Rất nhiều người đàn ông dân tộc Mảng ở Nậm Ban thường tụ tập say cả ngày, hết nhà này kéo sang nhà khác, không cần biết công việc là gì, cũng không cần biết gia đình đang đói khổ, thiếu thốn…" - bà Long cho biết thêm.

Thật đáng lo ngại là, trong khi chính quyền đang tìm mọi cách để giúp người Mảng đứng vững trên đôi chân của mình, thì không ít người dân lại không nhận thức được điều đó để phấn đấu vươn lên xóa đói, giảm nghèo, trái lại có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều đáng lo hơn nữa, trong bối cảnh chất lượng dân số của cộng đồng người Mảng đang "có vấn đề" - theo cảnh báo của các nhà khoa học, tình trạng uống rượu tràn lan xuất hiện trên diện rộng đang là một mối nguy cơ đối với sự phát triển cộng đồng.

Cần thêm những "cần câu" bền vững

Được biết, để giúp đồng bào Mảng ở Nậm Nhùn bảo tồn nòi giống, thoát khỏi cảnh lạc hậu, khó khăn, thời gian qua, các ban, ngành chức năng địa phương đã hết sức quan tâm, ưu ái, tạo điều kiện cho đồng bào ổn định cuộc sống, trong đó, quan trọng nhất là cố gắng làm chuyển đổi nhận thức của đồng bào. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh, huyện cũng thường xuyên dành những khoản ngân sách để mua, cung cấp trâu, bò, công cụ sản xuất và giống cây, con nhằm mang lại "lưng vốn" ban đầu để đồng bào phát triển kinh tế một cách bền vững.

Một góc khu nhà ở tạm bợ, lụp xụp của người Mảng ở Nậm Ban. Ảnh: Ánh Tuyết

Tính đến nay, đã có 332 hộ dân tộc Mảng trên toàn huyện Nậm Nhùn được hỗ trợ làm nhà ở, 521 hộ được hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh. Ngoài ra, huyện Nậm Nhùn cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp đồng bào "nâng cấp" các nhu cầu về văn hóa, tinh thần như mở các lớp xóa mù chữ, bảo tồn lễ hội truyền thống… song nhìn chung, các nỗ lực đó chưa đem lại hiệu quả cao. Khái niệm tự vươn lên trong cuộc sống chưa hình thành đầy đủ trong tâm thức của đồng bào, thói quen ăn xổi, ở thì vẫn còn đeo bám nặng nề trong đầu óc của người dân qua nhiều thế hệ, đặc biệt là tâm lý ỷ lại vào Nhà nước cùng thói quen uống rượu "quên trời đất" của nhiều người trong cộng đồng. Đây chính là rào cản lớn nhất trong quá trình thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội trong cộng đồng người Mảng ở Nậm Nhùn.

Về vấn đề này, trong cuộc trao đổi với báo chí, một lãnh đạo UBND huyện Nậm Nhùn đã bày tỏ sự lo ngại rằng, trải qua hàng chục năm đằng đẵng, được sự đùm bọc, cưu mang của chính quyền và các đoàn thể, đời sống của đồng bào Mảng ở Nậm Nhùn tuy đã có những thay đổi nhưng vẫn còn không ít chông gai. Bằng chứng là, mặc dù đã được Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều mặt, nhưng cuộc sống đồng bào Mảng ở đây còn rất khó khăn, thiếu thốn.

Huyện Nậm Nhùn cũng đã tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này chủ yếu là do tâm lý "bình chân như vại" trước cuộc sống cùng sự tồn tại của tập tục lạc hậu trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào. Từ đó, triển khai quy hoạch, bố trí lại dân cư, đồng thời vận động đồng bào tham gia thực hiện một số mô hình sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác để phát triển kinh tế, thế nhưng, dù đã cố gắng hết mức, sự chuyển biến còn rất mờ nhạt.

Để giúp đồng bào Mảng ở Nậm Nhùn thoát ra khỏi "vòng kim cô" của lạc hậu, đói nghèo, đã đến lúc cần phải có thêm những "cú hích" quyết liệt và vững chắc hơn. Bên cạnh các giải pháp dài hơi, đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, việc quan trọng nhất là phải khắc phục cho được tình trạng uống rượu tràn lan, thông qua cơ chế đặc biệt nhằm kiểm soát chặt chẽ thứ đồ uống có cồn này ở những vùng có người Mảng sinh sống. Bởi, từ những gì "mục sở thị" ở Nậm Nhùn, có thể kết luận là, hiểm họa từ rượu đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nòi giống bền vững của tộc người có dân số thuộc hàng ít nhất cả nước.

Đặng Thị Ánh Tuyết

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-them-cu-hich-cho-dong-bao-mang-o-nam-nhun/