Cần thiết xây dựng cơ chế tôn vinh người giám định tư pháp

Giám định tư pháp có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng và trong đời sống xã hội. Giám định viên, người giám định tư pháp là nghề đặc thù, hết sức vất vả và khó khăn. Do đó, việc xây dựng cơ chế tôn vinh tổ chức và người giám định tư pháp có thành tích trong hoạt động giám định tư pháp là việc làm có ý nghĩa thiết thực.

Hiện nay, trong thực hiện cải cách tư pháp, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách để phát triển đội ngũ giám định viên, người giám định tư pháp, từng bước tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ giám định và có chế độ đãi ngộ cho người giám định tư pháp. Bên cạnh việc ban hành Luật Giám định tư pháp, Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp và thu hút được các nguồn lực từ xã hội nhằm thúc đẩy hoạt động giám định ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Mặt khác, thứ nhất về chủ quan nhiều giám định tư pháp không ngại khó khăn để làm tốt việc giám định khi được trưng cầu, yêu cầu, luôn luôn mong mỏi, kỳ vọng được Nhà nước, xã hội chia sẻ, ghi nhận những đóng góp của mình trong hoạt động giám định tư pháp.

Thực tế có nhiều giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y khi nhận được những quyết định khen thưởng thành tích giám định tư pháp không chỉ bản thân mà cả gia đình, người thân đã vô cùng cảm kích vì suốt cả cuộc đời bác sỹ giám định chưa được bao giờ được khen thưởng, thậm chí không được chia sẻ còn bị xa lánh do công việc thường xuyên tiếp xúc với tử thi và thương tích.

Thứ hai, việc được tôn vinh động viên, khích lệ tinh thần, ghi nhận công lao đóng góp của các tổ chức, cá nhân người giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp theo nguyện vọng của đông đảo đội ngũ người giám định tư pháp cũng là một nguồn lực để thúc đẩy hoạt động giám định tư pháp phát triển; thứ ba, mục đích của việc tôn vinh là nhằm chia sẻ và động viên, khuyến khích cá nhân, tổ chức có thành tích trong hoạt động giám định tư pháp, khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp trong cải cách tư pháp và trong đời sống xã hội; thứ tư, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, Luật Giám định tư pháp, Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ chế tôn vinh những người làm công tác giám định tư pháp.

Từ những phân tích trên khẳng định việc xây dựng cơ chế tôn vinh người làm giám định tư pháp là cần thiết và cấp bách, không chỉ có ý nghĩa về lý luận mà còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp hiện nay.

Thực tiễn trong đời sống xã hội hiện nay việc tôn vinh những giai cấp, tầng lớp có nhiều đóng góp cho xã hội mới chỉ có những cuộc bình chọn tôn vinh nhà giáo ưu tú, doanh nhân ưu tú, luật sư ưu tú, thầy thuốc ưu tú..., hoạt động giám định đã có những đóng góp tích cực cho xã hội, tuy nhiên lại chưa được tôn vinh. Bên cạnh đó, công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động giám định tư pháp chỉ tập trung vào Nhà nước, những cơ chế để xã hội tôn vinh thì chưa có, Nghị quyết số 49/2006-NQ/BCT về cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng chưa đề cập đến vấn đề này.

Việc tôn vinh tổ chức, người giám định có thành tích trong công tác giám định là việc làm cao quý bảo vệ con người, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nó là nguồn động viên tinh thần lớn đối với những người làm công tác giám định. Tiêu chí tôn vinh cần tập trung vào 4 tiêu chí, đó là: Xã hội tôn vinh, báo chí tôn vinh, những người được thụ hưởng kết luận giám định đánh giá và giá trị giám định viên đóng góp cho xã hội (số lượng việc giám định mà giám định viên đã thực hiện). Việc tổ chức tôn vinh cần được thông báo khách quan rộng rãi trong xã hội; thành lập Ban tổ chức bình chọn, Hội đồng tôn vinh tổ chức bình chọn. Đây là cơ sở quan trọng để kịp thời động viên, khuyến khích giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc tích cực thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần đắc lực cho cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt phương châm “không để mất kẻ gian, không làm oan người vô tội”.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước có 3.753 người giám định tư pháp, trong đó có 3.000 giám định viên tư pháp và 753 người giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực; 289 tổ chức giám định tư pháp, trong đó có 152 tổ chức giám định tư pháp công lập ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự và 136 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở một số lĩnh vực. Trong thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã trưng cầu khoảng 439.479 vụ việc giám định trên các lĩnh vực khác nhau.

Minh Lượng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/can-thiet-xay-dung-co-che-ton-vinh-nguoi-giam-dinh-tu-phap-299843.html