Cần Thơ muốn trở thành trung tâm logistics ở ĐBSCL

Trong việc lựa chọn vị trí để xây dựng một trung tâm hậu cần doanh nghiệp (logistics), UBND thành phố Cần Thơ muốn đưa địa phương này trở thành trung tâm logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian tới.

Cần Thơ muốn trở thành trung tâm logistics ở ĐBSCL. Trong ảnh là một tàu hàng vào Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh.

Trình bày tại buổi làm việc của UBND thành phố Cần Thơ với các sở, ngành của địa phương này vào ngày hôm nay 20-12, về quy hoạch, xây dựng trung tâm logistics ở ĐBSCL tại Cần Thơ, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết thời gian qua đã có ba nhà đầu tư quan tâm và có ý định đầu tư xây dựng hệ thống logistics ở Cần Thơ, gồm Công ty TNHH Long Thịnh (TPHCM), Công ty cổ phần đối tác Chân Thật (TPHCM) và Tập đoàn TBS (Thái Bình).

Theo ông Vinh, qua một số cuộc làm việc với các bên liên quan cũng như những đơn vị có ý định đầu tư, bước đầu đã xác định được ba khu đất mà các nhà đầu tư quan tâm, mong muốn đầu tư, gồm khu 74 héc tại khu đô thị công nghiệp Cái Răng, quận Cái Răng; khu 120 héc ta tại khu vực cảng Cái Cui, quận Cái Răng và khu 75,8 héc ta thuộc khu công nghiệp Hưng Phú I, quận Cái Răng.

Tuy chưa có quyết định chính thức sẽ chọn địa điểm nào để đầu tư, nhưng ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ, cho rằng trước khi quyết định chọn lựa vị trí và quy mô, cần đánh giá, thu thập dữ liệu và xác định đúng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, kể cả dự báo trong tương lai, bởi nếu không khéo đầu tư quá lớn sẽ gây lãng phí.

Trên cơ sở báo cáo của các sở ngành, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, yêu cầu các sở ngành có liên quan của địa phương rà soát lại việc thay đổi công năng sử dụng đất, chẳng hạn, chuyển đất khu đô thị công nghiệp thành trung tâm logistics có vướng quy định nào không? Có ảnh hưởng đến quy hoạch chung của thành phố hay không?...

Tuy chưa kết luận việc lựa chọn vị trí để tiến hành xây dựng trung tâm logistics ở ĐBSCL tại buổi làm việc này, nhưng ông Nam khẳng định việc xây dựng hệ thống logistics hoàn chỉnh sẽ là động lực giúp phát triển tốt hơn kinh tế-xã hội của Cần Thơ và vùng ĐBSCL thời gian tới.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, trước đó, vào ngày 20-11-2015, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã có công văn số 5478/UBND-KT gửi Bộ Công Thương đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL tại Cần Thơ.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến đồng ý với đề xuất trên của UBND Cần Thơ và cho rằng việc xây dựng trung tâm logistics ở Cần Thơ là phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2015 với mục tiêu phát triển các trung tâm logistics trở thành các trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ tốt cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/155127/can-tho-muon-tro-thanh-trung-tam-logistics-o-dbscl.html/