Cần thực hiện đồng bộ cải cách tư pháp, lập pháp và hành pháp

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việc thực hiện quyền lực nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc 'rường cột' nêu trên mới bảo đảm tính đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định phương châm: "Cải cách tư pháp phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; gắn với đổi mới công tác lập pháp, cải cách hành chính". Như vậy, Ðảng ta đã đặt ra yêu cầu hết sức rõ ràng, chuẩn định về mối liên hệ giữa ba nhánh quyền lực và đương nhiên là cả ba hoạt động cải cách. Cải cách lập pháp không thể hiệu quả nếu không cải cách hành pháp/ hành chính và cải cách tư pháp và ngược lại. Mục tiêu của cải cách lập pháp còn được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, là: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Mục tiêu của cải cách hành pháp, trực tiếp là cải cách hành chính, được xác định rõ trong Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1-8-2007 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, là: Ðẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nghị quyết số 17 cũng đặt ra giải pháp phải "Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp". Tinh thần của Nghị quyết số 17 nêu trên đã thể chế hóa và thực hiện theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ với nhiều mục tiêu quan trọng nhằm cải thiện và đổi mới mạnh mẽ nền hành chính Việt Nam gần dân, vì dân.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã đạt những kết quả quan trọng: 257 luật, pháp lệnh; 3.169 nghị định của Chính phủ; 1.566 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hàng nghìn thông tư, thông tư liên tịch, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của các bộ, ban, ngành, TAND tối cao, Viện KSND tối cao đã được ban hành. Hệ thống pháp luật đã cơ bản được hoàn thiện về cả nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh phần lớn các quan hệ cơ bản của đời sống xã hội (Báo cáo của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW). Tổng kết 8 năm thực hiện công tác cải cách theo Nghị quyết số 49, theo Báo cáo của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, từ tháng 6-2005 đến tháng 6-2013, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mới và sửa đổi, bổ sung 63 luật, pháp lệnh, nghị quyết về các lĩnh vực hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Trên cơ sở đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các hoạt động cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã được triển khai rộng khắp, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng trăm văn bản được rà soát, hoàn thiện; hàng nghìn thủ tục hành chính rườm rà bị bãi bỏ; bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương được kiện toàn, Chính phủ, chính quyền đã đi sâu, đi sát với đời sống nhân dân, quan tâm đến những vấn đề thiết thực, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được quan tâm thực hiện tích cực, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo hiến pháp, hạn chế oan sai, phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa nhịp nhàng, thiếu chặt chẽ; nhìn chung, công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp vẫn còn mang tính hình thức, thiếu cơ chế, thiếu chiều sâu. Các công việc nhà nước nói chung được thực hiện dựa trên chức năng, nhiệm vụ là chủ yếu, cho nên đã tạo ra sự khép kín, "cắt khúc", đến khi có vấn đề phát sinh, điểm nghẽn hoặc vướng mắc mới tiến hành phối hợp để tháo gỡ, do đó hiệu quả không cao. Ðã dẫn đến việc trình các dự án luật còn chậm, chất lượng chưa cao, ảnh hưởng công tác xây dựng luật, pháp lệnh; việc giám sát thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành pháp từ trung ương tới địa phương chưa bao quát. Việc giám sát thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chủ yếu trên các báo cáo, nhiều vụ việc bức xúc chưa được giám sát quyết liệt, vẫn còn tình trạng oan sai nhiều khiến dư luận cũng chưa hoàn toàn tin tưởng ở tính đúng đắn của nhiều bản án khác.

Trong kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã đặt ra vấn đề Quốc hội "đồng hành cùng Chính phủ". Ý tưởng đó cho thấy rất cần sự phối hợp thật sự giữa lập pháp và hành pháp. Việc "khắt khe" trong yêu cầu chất lượng đối với các dự án luật do Chính phủ trình; việc giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của Chính phủ, TAND, Viện KSND… chính là đang phối hợp nhằm làm tốt công việc của Nhà nước.

Phối hợp trong thực hiện quyền lực nhà nước giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cần dựa trên nền tảng pháp lý là hiến pháp, và được cụ thể hóa trong các luật, quy chế. Tuy nhiên, cần nghiên cứu xác lập cơ chế phối hợp cụ thể giữa Quốc hội - cơ quan lập pháp, với Chính phủ - cơ quan hành pháp và TAND - cơ quan tư pháp. Trong đó, một mặt bảo đảm thực hiện vai trò của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mặt khác, phát huy vai trò của ba hệ thống quyền lực đó trong các công việc của Nhà nước. Sự phối hợp phải được thực hiện trên các lĩnh vực xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan nhà nước. Ðảng, MTTQ Việt Nam sẽ là những "trọng tài chính trị" bảo đảm cho việc phối hợp giữa các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp hiệu lực, hiệu quả.

TS Lưu Bình Nhưỡng Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/32027002-can-thuc-hien-dong-bo-cai-cach-tu-phap-lap-phap-va-hanh-phap.html