Cần tiết kiệm thực phẩm

Khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao, bữa ăn của các gia đình không còn quanh quẩn ở trong nhà mà nhiều khi là ở ngoài quán xá, nhà hàng, thậm chí là những nhà hàng sang trọng. Con người no ấm nên tư duy “ăn để sống” đã thay đổi. Bây giờ, người ta “sống để ăn”. Và để chứng tỏ mình là người sang trọng, sành điệu, không ít thực khách chỉ “ăn lấy vị” chứ không “ăn lấy bị”.

Siêu thị OzHarvest Market (Sydney, Úc) - nơi cung cấp những sản phẩm được biếu tặng hoặc dư thừa cho những khách hàng có nhu cầu mua giá rẻ. Ảnh: internet

Là người làm trong ngành khách sạn - ẩm thực nên tôi hiểu được sự lãng phí thức ăn là như thế nào. Các vị khách, đặc biệt là “khách V.I.P”, thường đến dự các bữa tiệc cho có mặt, hoặc để lấy tiếng, nên những khẩu phần ăn đắt đỏ bị bỏ thừa rất nhiều. Thường thì những thứ còn nguyên ở trên bàn, sau khi được mang xuống, tôi hay gói vào các bọc nylon cho những bạn sinh viên mang về nhà dùng. Các bạn rất vui.
Mà không riêng gì ở các sự kiện tiệc tùng lớn, ở các nhà hàng, quán ăn, những đứa trẻ con nhà khá giả cũng thường bỏ mứa. Chúng đã quá no đủ nên ăn một ít là ngán, hoặc ăn theo “phong cách để lại” (chứ vét sạch đĩa thì không khéo người ta cho rằng “đói khát lắm hay sao mà ăn không chừa thứ gì”).

Trong nhiều gia đình cũng không thiếu những thức ăn thừa mứa. Một số bà nội trợ “vung tay quá trớn” khi đi chợ, thấy món gì cũng thích (nhất là hàng khuyến mãi) rồi tha lỉnh kỉnh về nhà, đến khi sử dụng không kịp thời hạn thì lại đem đi đổ. Có người có thói quen thích mua dư một tí, để chắc đủ dùng, nhưng chính cái phong cách đó làm cho người nhà ngán ngẩm. Nhìn trên bàn ăn mà ê hề thức ăn thì rất dễ có cảm giác “dội ngược”, gọi là no mắt.

Theo một báo cáo vào cuối năm 2015 của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), mỗi năm, người tiêu dùng ở các nước phát triển bỏ phí đến khoảng 222 triệu tấn thực phẩm còn dùng được. Còn theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), tại châu Âu, tỷ lệ thực phẩm bỏ phí ở mức 40%. Để tránh lãng phí thức ăn, một số nơi đã biết cách “giải cứu” thực phẩm dư thừa. Siêu thị OzHarvest Market (Sydney, Úc) là nơi cung cấp những sản phẩm được biếu tặng hoặc dư thừa cho những khách hàng có nhu cầu mua giá rẻ. Những thực phẩm thừa này do các siêu thị, các nhà cung cấp thực phẩm, các quán nước dạt ra vì không đạt tiêu chuẩn về mẫu mã (nhưng chất lượng vẫn tốt). Hay ở thị trấn Galdakao (tỉnh Bizkaia, Tây Ban Nha), người dân đã nghĩ ra cách đặt những chiếc tủ lạnh công cộng và gọi đó là “tủ lạnh đoàn kết”. Cá nhân hoặc siêu thị có dư thực phẩm sắp hết hạn sử dụng cứ việc bỏ vào tủ lạnh đó. Những người thiếu ăn sẽ đến mở tủ lạnh và chọn lựa thực phẩm mình thích mang về chế biến dùng trong ngày. Đây là chiến dịch do công dân Alvaro Saiz khởi xướng, lấy ý tưởng từ những chiến dịch tương tự được thực hiện ở Đức.

Riêng ở xứ ta, các siêu thị đã biết tiết kiệm thực phẩm bằng việc giảm giá bán những thực phẩm sắp hết hạn sử dụng hoặc dùng chế biến thức ăn bán trong ngày. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình ở thành thị vẫn còn lãng phí thức ăn. Điều đó thể hiện qua những hộp thức ăn còn hạn sử dụng bị vứt bỏ mà người ta tìm thấy trong sọt rác.

Chứng kiến hàng ngày những chuyện như vậy, tôi hy vọng mọi người hãy cùng nhắc nhở nhau từ bỏ thói quen lãng phí thức ăn. Mỗi gia đình, nếu không dùng món đồ nào đó sắp hết hạn thì nên biếu những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, hoặc mang đến tặng các trung tâm bếp ăn từ thiện chế biến trong ngày cho người nghèo dùng. Những thực phẩm đã quá hạn sử dụng có thể gom riêng một chỗ để cho người nuôi gia súc, gia cầm.

Tôi cũng muốn nhắn với các bậc phụ huynh, hãy dạy con tiết kiệm thực phẩm thay vì cổ xúy lối suy nghĩ “con thích ăn gì thì ba mẹ sẽ mua thứ nấy” mà không biết trẻ có dùng hết hay không. Các bà nội trợ cũng nên đi chợ vừa đủ, nấu ít mà ngon chứ đừng bày biện ê hề thành ra... tác dụng ngược.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/162441/can-tiet-kiem-thuc-pham.html/