Cần tìm cách chấm dứt 'cơn điên' giá vàng

Giá vàng miếng tiếp tục tăng lên đỉnh mới với hơn 92 triệu đồng/lượng, mức giá tưởng chỉ có trong dự báo. Thế nhưng, người dân vẫn lao vào cơn 'sóng' vàng, bất chấp lời cảnh báo của chuyên gia.

Cháy” vàng miếng

Cuối ngày 10/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 90,1- 92,4 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Chỉ trong vòng 2 ngày, giá vàng miếng tăng gần 6 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tăng theo hơn 1 triệu đồng/lượng trong ngày 10/5. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 75,4- 76,9 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, người dân vẫn tiếp tục mua vào cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn khiến một số cửa hàng cháy vàng SJC.

Chị Bích Thu (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên lướt sóng vàng nên 2 hôm nay đều mua vào. Nay tôi mua 20 lượng vàng miếng SJC và 60 lượng vàng nhẫn với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Chỉ cần thêm 2 ngày nữa giá tiếp tục lên như thế này tôi sẽ chốt lời bán ra”. Theo chị Thu, đây không phải là thời điểm chị mua vàng nhiều nhất, bởi trong tháng 3 vừa qua, khi sóng vàng lên, chị cũng từng mua đến 200 lượng vàng rồi bán ra chốt lời chỉ trong vòng vài ngày.

Người dân xếp hàng mua vàng ngày 10/5 Ảnh: Như Ý

Người dân xếp hàng mua vàng ngày 10/5 Ảnh: Như Ý

“Tôi mua số lượng lớn nên chỉ cần xem mức chênh lệch mua vào - bán ra đủ có lãi là tôi bán ngay. Tôi là khách quen của cửa hàng nhưng vào những ngày mọi người xếp hàng mua từ nửa chỉ, tôi cũng phải xếp hàng. Dù là khách VIP nhưng những ngày này mua vào tôi phải thanh toán tiền luôn theo giá niêm yết và vẫn phải nhận giấy hẹn vài hôm mới lấy vàng”, chị Thu nói.

Trong khi đó, chị Thanh Trúc (ở quận Long Biên, Hà Nội) mất 3 tiếng chờ đợi mới mua được nửa chỉ vàng. Chị Trúc chia sẻ: “Tôi mua để tích lũy và cứ có tiền tôi mua bất kể giá thấp hay cao. Thế nhưng cứ mỗi lần mua thấy giá tăng tôi cũng vui”.

Tính từ đầu tuần đến nay, giá vàng SJC đã tăng gần 6 triệu đồng/lượng. So với hồi đầu năm, vàng miếng SJC đã tăng 16 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, so với 1 năm trước, loại vàng này đã tăng 24 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 34%.

Tuy nhiên, ngay trong buổi sáng 10/5, nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy… đã không còn vàng miếng SJC để bán cho khách, thậm chí cũng không hẹn trả vàng (vàng nhẫn). Nhìn bảng giá vàng tăng từng phút, quá sốt ruột với giá vàng miếng SJC tăng từ mốc 90 triệu đồng/lượng rồi nhảy lên mức 91, 92 triệu đồng/lượng, anh Phú Quý (quận Hà Đông, Hà Nội) gọi điện thoại đến nhiều cửa hàng vàng bán SJC nhưng đều nhận được lời từ chối.

Trong khi đó, với vàng nhẫn, cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông hạn chế khách mua 1 lượng/ngày. Nếu vượt quá số lượng này, cửa hàng viết giấy hẹn sau 1 tuần lấy vàng.

Các chuyên gia cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không can thiệp kịp thời, giá vàng miếng SJC có khả năng lên 100 triệu đồng/lượng.

Đã đến lúc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC

Với đà tăng mạnh của vàng miếng SJC bỏ xa giá vàng thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng trong ngày 10/5. Cuối tháng 3 vừa qua, giá vàng miếng SJC bước vào cơn sốt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trong cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã thống nhất giao cho Ngân hàng Nhà nước xem xét việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Sau đó, tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước giữa tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố xem xét bỏ việc độc quyền vàng miếng SJC và sẽ can thiệp hạ nhiệt thị trường bằng đấu thầu vàng. Thế nhưng, việc đấu thầu vàng chưa thành công khi số lượng cung ra thị trường ít (sau 2 phiên thành công và giá đấu cao). Điều lạ lùng là sau đấu thầu, giá vàng miếng SJC tăng như mất kiểm soát.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho rằng, chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn như vậy gây ra hậu quả không tốt cho thị trường. Ông Hùng cho rằng, không có lý do gì vẫn giữ độc quyền vàng miếng SJC. Chỉ cần xóa bỏ độc quyền, giá vàng miếng sẽ lập tức hạ 10 triệu đồng/lượng.

Nhiều chuyên gia đều thống nhất cần phải sửa đổi Nghị định 24 về quản lý vàng miếng càng nhanh càng tốt. Ngân hàng Nhà nước nên coi vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và quản lý bằng thuế thay vì độc quyền. Việc xóa bỏ độc quyền sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng, người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa. Tâm lý càng khan hiếm giá càng tăng và người dân càng xếp hàng đi mua. Nếu cung vàng đủ thị trường sẽ ổn định hơn.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-tim-cach-cham-dut-con-dien-gia-vang-post1636117.tpo