Cản trở quyền thăm con bị xử phạt 300.000đ

PN - Chị Thanh Hà (Bình Chánh) hỏi: “Do mâu thuẫn với chồng và gia đình chồng, năm 2007 tôi đã bế con trai hai tuổi về nhà mẹ ruột sinh sống. Nhân lúc tôi vắng nhà, chồng tôi đến bắt con mang đi. Nhiều lần tôi đến nhà chồng đòi con về nhưng gia đình bên chồng không cho, chỉ cho phép tôi được nhìn con từ xa. Để được quyền nuôi con, tôi đã làm đơn ly hôn nhưng án sơ thẩm lại tuyên cho chồng tôi được quyền nuôi con. Tôi kháng cáo, bản án phúc thẩm đã tuyên ngược lại, cho tôi được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con. Sau khi án có hiệu lực, tôi đã gửi đơn đến cơ quan thi hành án (THA), yêu cầu giao con cho tôi, nhưng đã gần một năm, án vẫn chưa thi hành được. Trong thời gian này, tôi tìm đến nhà chồng thăm con, thì bị mẹ chồng, em trai chồng và cả chồng cũ của tôi đánh đập, xua đuổi. Tôi phải làm sao để được nuôi con mình?”.

Trả lời: Theo quy định của pháp luật, trong lúc bản án chưa được thi hành, chị vẫn có quyền được thăm con. Nếu chồng chị và gia đình chồng cản trở chị đến thăm con là họ đã có hành vi BLGĐ theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 2 Luật PCBLGĐ và bị nghiêm cấm tại khoản 1 điều 8 của luật này. Chị có thể làm đơn tố cáo đến trưởng công an hoặc UBND xã, nơi gia đình chồng chị sinh sống, yêu cầu cơ quan này xử lý. Nghị định 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ quy định mức xử phạt đối với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa cha mẹ và con là 100.000đ - 300.000đ. Còn việc giành lại quyền nuôi con, chị nên ráo riết yêu cầu cơ quan THA địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu cơ quan THA đã áp dụng biện pháp cưỡng chế mà bên chồng vẫn cố tình chây lì, không trao con, chị có thể yêu cầu cơ quan thẩm quyền xử lý hình sự chồng chị về tội không chấp hành bản án. Điều 304 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Luật sư Vũ Thị Hoài Vân (Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ - Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/can-tro-quyen-tham-con-bi-xu-phat-300000d.aspx