Cản trở quyền thăm con sẽ bị xử phạt hành chính

PN - Chị Nguyễn Thị Hà (Q.Tân Phú, TP.HCM) hỏi: Tôi chung sống với ông H. (giám đốc một công ty TNHH) đã mười năm, có hai con chung. Khi có đứa con thứ hai , tôi mới biết ông H. đã có vợ con. Tôi đặt vấn đề chia tay nhưng ông H. không chịu, còn đánh đập tôi dã man. Tôi bỏ ra ngoài thuê phòng trọ, buôn bán để kiếm tiền nuôi con.

Đầu năm rồi, ông H. gọi tôi đến một quán ăn trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) để “gửi ba triệu đồng nuôi con”, nhưng tại quán, ông H. chỉ thuyết phục tôi quay lại tiếp tục sống chung. Tôi không đồng ý, ông ta đánh đập và xé áo quần tôi ngay trước đám đông. Tôi không dám kêu cứu, cũng chẳng dám tố cáo đến cơ quan thẩm quyền, vì nghĩ bản thân mình cũng vi phạm pháp luật, quan hệ bất chính với người đã có vợ con. Nay, ông H. đã bắt mất cả hai đứa con, lại cấm không cho tôi được đến thăm con. Đã hai tháng tôi không được gặp con. Tôi phải làm cách nào để được gặp các con, được đưa chúng về quê ngoại ở Vĩnh Long để chăm sóc, nuôi nấng? Trả lời: Chị Hà thân mến, ông H. đánh đập, làm nhục chị giữa chốn đông người, lại bắt cả hai đứa con không cho chị được đến thăm, đều là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật PCBLGĐ. Dù chị quan hệ bất chính với ông ta, nhưng chị vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này. Ông H. bắt con và không cho chị đến thăm con là đã cản trở việc thăm nom, chăm sóc con chung. Hành vi này, theo Nghị định số 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ (có hiệu lực thi hành từ ngày 27/1/2010), bị phạt từ 100.000đ - 300.000đ. Chị hãy mạnh dạn tố cáo đến cơ quan công an hoặc UBND phường, đề nghị họ xử phạt ông H.. Mặt khác, chị cũng nên làm đơn gửi tòa án để làm thủ tục không công nhận quan hệ vợ-chồng giữa chị và ông H. Quyền lợi của hai con chung sẽ được tòa án bảo vệ và giải quyết như trường hợp cha, mẹ ly hôn. Còn việc nuôi con, nếu con chị dưới ba tuổi, tòa sẽ giao cho chị nuôi; trên chín tuổi, tòa sẽ hỏi ý kiến của cháu và phán quyết theo nguyện vọng của cháu. Nếu con chị từ trên ba tuổi đến chín tuổi thì theo thỏa thuận giữa cha và mẹ. Luật sư Nguyễn Thị Hồng Nga (Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ - Cục Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, Bộ Tư Pháp)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2010/Pages/can-tro-quyen-tham-con-se-bi-xu-phat-hanh-chinh.aspx