Cẩn trọng khi cứu người bị đuối nước

Thời gian gần đây, tình trạng đuối nước có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Xót xa hơn, có những vụ không chỉ một mà nhiều người bị đuối nước cùng một lúc. Điều đáng nói là không chỉ các em nhỏ, học sinh phổ thông bị đuối nước mà ngay cả người lớn biết bơi khi xuống cứu nạn nhân cũng bị chết do thiếu kỹ năng. Vì vậy, bên cạnh việc dạy bơi cho học sinh, các trung tâm dạy bơi, trường học cần chú trọng dạy cho các em một số kỹ năng xử lý tình huống khi cứu người bị đuối nước.

Mới đây (ngày 2-7), tại xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm chết bốn người trong một dòng họ, trong đó có hai thanh niên khỏe mạnh nhảy xuống cứu. Trước đó, ngày 26-4, nhiều người bàng hoàng, đau xót khi nghe tin vụ đuối nước thương tâm ở thôn 3, xã Đắk Ha, huyện Đác G’Long, tỉnh Đác Nông làm ba cháu nhỏ chết khi ra ao câu cá...

Các vụ đuối nước khiến nhiều người chết cùng một lúc cho thấy, hầu hết do người tham gia cứu nạn chưa được học hoặc chưa biết những kỹ năng cứu người mà cứ thấy người bị đuối nước là nhảy xuống để cứu. Mặc dù hiện nay các bậc phụ huynh và nhà trường đã quan tâm hơn tới việc cho trẻ đi học bơi để phòng tránh đuối nước nhưng lại ít để ý tới việc trang bị kiến thức xử lý tình huống cứu người khi gặp trường hợp bị đuối nước, thậm chí ngay cả với người lớn đã biết bơi. Anh Kiều Duy Chiến, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, bản thân biết bơi nhưng kỹ năng cứu người khi bị đuối nước thì chưa được học. Vì vậy, trong trường hợp có người bị đuối nước, cũng chỉ biết cố gắng hết sức để cứu người.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm nước ta có khoảng bảy nghìn người chết đuối, trong đó hơn 50% là trẻ em. Tính trung bình mỗi ngày có từ chín đến mười trẻ em và vị thành niên chết đuối. Tỷ lệ đuối nước ở nước ta cao nhất so các nước trong khu vực và cao gần mười lần so các nước đang phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do thiếu sự giám sát của người lớn cho nên trẻ em tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ... Trẻ bị tai nạn đuối nước cũng do một phần không biết bơi, một phần phải kể đến thực trạng các em thấy bạn bị đuối là nhảy xuống cứu lẫn nhau trong khi chưa hề được trang bị kỹ năng cứu người bị nạn.

Để hạn chế các vụ đuối nước thương tâm xảy ra, theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, tại các lớp dạy bơi, bên cạnh việc dạy trẻ biết bơi cần phải tăng cường hướng dẫn phương pháp thoát hiểm khi bị nạn nhân ôm, bám; cách sơ, cấp cứu ban đầu; những vấn đề cần lưu ý để không dẫn đến đuối nước...

Các giáo viên dạy bơi khuyến cáo, trong trường hợp gặp người bị đuối nước, để có thể vừa cứu được người bị nạn lại vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân, người tham gia cứu người gặp nạn phải bình tĩnh, không nên nhảy ngay xuống nước mà phải tìm sự hỗ trợ, tìm những người ở gần đến giúp. Đồng thời, quan sát chung quanh để tìm những vật dụng có thể cứu được người bị nạn như sào, khúc gỗ, tấm ván nhẹ... Người cứu người gặp nạn có thể đứng ở trên bờ để cứu, vì tâm lý người bị đuối nước rất hoảng loạn, vớ được bất kỳ cái gì là ôm rất chặt và không buông cho nên sẽ rất nặng. Nếu người cứu đuối nước không có kỹ năng cứu người thì người bị đuối nước sẽ túm và ghì người cứu cùng chìm xuống, dẫn tới tất cả đều đuối nước.

Theo Giám đốc Dự án phổ cập bơi, Công ty cổ phần thể thao và giải trí Bằng Linh Phạm Ngọc Trung, với người đuối nước, chỉ cần sử dụng sào đưa xuống thì chắc chắn người bị đuối nước sẽ tóm lấy rồi sau đó kéo vào bờ, vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho mình mà vẫn cứu được người. Trong trường hợp người cứu nhảy xuống nước phải bơi giỏi và đủ sức khỏe, có kỹ năng cứu người. Trong trường hợp này, người cứu phải có khoảng cách an toàn 1,5 m, tìm cách tóm vào tóc của người đuối nước và kéo vào bờ hoặc có thể lặn xuống bên dưới tóm vào chân lôi vào bờ. Khi tham gia cứu người bị đuối nước, mọi người chú ý không để người đuối nước tóm tay vào người mình vì như thế vụ cứu đuối nước sẽ vô cùng phức tạp.

Thực tế cho thấy, ranh giới của việc tham gia cứu người bị đuối nước và bảo đảm an toàn cho tính mạng của chính người tham gia cứu người bị nạn rất mong manh. Cứu người theo bản năng là tốt, nhưng cứu người cần phải có kiến thức sẽ tốt hơn, để vừa có thể bảo đảm an toàn cho bản thân và cho người được cứu. Vì vậy, khi gặp trường hợp bị đuối nước, người cứu phải thật bình tĩnh và nhanh chóng tìm sự cứu trợ của người chung quanh thay vì cứ lao mình xuống dòng nước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33570302-can-trong-khi-cuu-nguoi-bi-duoi-nuoc.html