Cẩn trọng với bệnh sốt xuất huyết giai đoạn đầu

Với những người có dấu hiệu bị bệnh sốt xuất huyết (SXH) giai đoạn đầu, các bác sỹ khuyến cáo chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền các dung dịch đẳng trương như Ringer lactate hoặc Natri clorua 0,9% nếu có chỉ định … Tuy nhiên nhiều người tự ý truyền dịch, sau đó dẫn đến các biến chứng nặng nề, điển hình là sốc sốt xuất huyết.

SXH vẫn diễn biến phức tạp

Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh SXH vẫn diễn ra hết sức phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Riêng TP. Hà Nội, các bệnh viện đều quá tải do lượt người đến khám và điều trị tăng vọt. Những ngày đầu tháng 8 này, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phải dùng tất cả những chỗ trống (hành lang, phòng bác sĩ, hội trường) để điều trị do bệnh nhân sốt xuất huyết. Mỗi ngày, bệnh viện đều tiếp nhận từ 900 - 1.000 bệnh nhân có biểu hiện SXH tới khám trong khi đó bình thường chỉ khoảng 200 trường hợp.

Tại bệnh viện Bạch Mai tình hình cũng tương tự. TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch sốt xuất huyết hiện đang rất căng thẳng. Trung bình từ những ngày cuối tháng 7 đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân vào điều trị nội trú. Các phòng bệnh cũng trong tình trạng quá tải, số bệnh nhân nội trú tăng lên tới 2-3 người/giường.

Nhiều bệnh viện quá tải do số người vào khám, điều trị bệnh sốt xuất huyết tăng cao

TS.BS Cường còn cho hay, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai dự kiến sẽ bố trí một số buồng bệnh để luân chuyển bệnh nhân từ khoa Truyền nhiễm về điều trị; các chuyên khoa chủ động giảm tải cho Khoa Truyền nhiễm tập trung tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân SXH; không để tình trạng bệnh nhân đến không có giường cấp cứu …

Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đã triển khai một loạt các biện pháp giảm tải như: mở thêm phòng khám mới chuyên về SXH; thay đổi thời gian làm việc của bệnh viện đẩy sớm lên từ 7 giờ sáng, kéo dài đến 17 giờ chiều; tổ chức cán bộ viên chức đi làm cả thứ 7, chủ nhật; huy động toàn bộ lực lượng phòng khám dịch bệnh, không được nghỉ phép ... Ngoài ra, nhiều bệnh viện cũng thực hiện phân tuyến, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh với Hà Nội như: Bệnh viện Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Sơn Tây ... để thu dung, điều trị cho người bệnh.

Trước diễn biễn phức tạp của dịch SXH, các bác sỹ đều khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại nhà và địa phương. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ đối với những người có dấu hiệu mắc SXH giai đoạn đầu.

3 giai đoạn của sốt xuất huyết  

TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những người có dấu hiệu mắc bệnh SXH giai đoạn đầu thì chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền các dung dịch đẳng trương như Ringer lactate hoặc Natri clorua 0,9% nếu có chỉ định… Chỉ khi có những dấu hiệu cảnh báo như hạ tiểu cầu, xuất huyết, tổn thương chức năng thận, chức năng gan, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt… thì mới cần nhập viện để điều trị và theo dõi sát sao.

Tình hình dịch bệnh hiện vẫn phức tạp

Song bác sĩ Trần Thị Hải Ninh – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cảnh báo, nhiều bệnh nhân khi không được vào viện điều trị, họ về nhà và tự ý truyền dịch, sau đó dẫn đến các biến chứng nặng nề, điển hình là sốc sốt xuất huyết. Khi bị sốc, họ lại đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Chính vì thế, việc nhận biết dấu hiệu bệnh và sớm có những biện pháp xử lý hiệu quả sẽ giúp nhiều người dân tránh khỏi những nguy hiểm và biến chứng không đáng có. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, người dân cần lưu ý, khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo sau phải đến cơ sở y tế ngay: Sau 3-4 ngày vẫn sốt cao liên tục; Mệt lả; Nôn, buồn nôn nhiều; Vật vã hoặc li bì; Đau bụng nhiều, đau tức vùng gan; Tiểu ít; Có các chảy máu bất thường: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen ...

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trong 3 ngày đâu, bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, nhức vùng hốc mắt, đau mỏi các cơ khớp, đau tức thắt lưng.

Giai đoạn 2: Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh. Bệnh nhân bớt sốt nhưng bị biến chứng nặng hơn như: tụt huyết áp, sốc, hạ tiểu cầu trong máu gây xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, hoặc các xuất huyết nội tạng nguy hiểm như: Chảy máu tiêu hóa, xuất huyết não ...

Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục. Thường sau giai đoạn thoát dịch 24-48h: Bệnh nhân hết sốt, phần dịch thoát ra khỏi lòng mạch lại tái hấp thu lại làm gia tăng lượng dịch trong lòng mạch. Giai đoạn này cần hạn chế truyền dịch để tránh nguy cơ quá tải dịch.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 71.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 19 người tử vong. Số bệnh nhân vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam (chiếm 59%). Tại khu vực phía Bắc, lượng bệnh nhân tăng cao tại TP. Hà Nội (chiếm gần 74% toàn khu vực).

Thúy Hằng - Phạm Văn

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201708/can-trong-voi-benh-sot-xuat-huyet-giai-doan-dau-2835018/