Cẩn trọng với nghề giao hàng

Nhiều thanh niên trẻ chưa có công việc ổn định đã lựa chọn công việc giao hàng (shipper) để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt. Công việc mang lại thu nhập khá, nhưng cũng kèm nhiều rủi ro.

Chiều 4-9, đã xảy ra một vụ lừa đảo tại cửa hàng thời trang số 341 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng). Một đối tượng vào cửa hàng, mua quần, áo với giá hơn 300 nghìn đồng, rồi đăng tìm người nhận giao hàng trên mạng. Khi shipper đến, đối tượng đi ra, cầm đồ đựng trong túi với tờ giấy ghi thông tin người nhận, yêu cầu shipper ứng trước gần 2 triệu đồng. Tưởng đối tượng nêu trên là nhân viên của cửa hàng, shipper này đồng ý ứng tiền và cầm hàng đi giao. Nhưng hóa ra đó chỉ là một đơn giao hàng ảo, người nhận không có thật. Quay lại cửa hàng thì đối tượng đã đi khỏi cầm theo toàn bộ số tiền mà shipper đã ứng trước. Không biết đòi ai, shipper này đành "ngậm ngùi" ra về. Số tiền gần hai triệu đồng bằng cả mười ngày lăn lộn hàng trăm ki-lô-mét ngoài đường đi giao nhận hàng.

Ứng trước hàng trăm nghìn đồng, thậm chí hàng triệu đồng rồi nhận hàng đi giao để được trả công từ 10 nghìn đến 30 nghìn đồng/đơn hàng là việc mà nhiều shipper buộc phải chấp nhận khi làm công việc này. Nguyễn Tuấn Hiệp (ở Khu tập thể Công ty que hàn Việt Ðức, xã Quán Gánh, huyện Thường Tín) học xong, nhưng chưa có việc làm ổn định, đã trở thành shipper được hai tháng nay. Trên địa bàn huyện Thường Tín ít cửa hàng có nhu cầu giao hàng, cho nên Hiệp lên trung tâm thành phố để có nhiều việc hơn. Hiệp kể, nghề này dễ làm, chỉ cần có điện thoại di động với phương tiện đi lại, thông thạo đường sá. Nếu chăm chỉ và nhận được nhiều đơn hàng, mỗi tháng cũng có thu nhập trung bình từ 6 triệu đến 7 triệu đồng. Nhưng nghề này cũng có lắm rủi ro, nhất là với những người mới làm, thiếu kinh nghiệm. Riêng trong đợt nghỉ lễ 2-9 vừa rồi, đã có hơn mười vụ shipper bị lừa ứng tiền trước với đơn hàng "ảo". Một shipper làm cùng Hiệp đã tin tưởng ứng trước 3,5 triệu đồng cho một chủ hàng quen, nhưng cầm hàng đi giao thì số điện thoại giả, không tìm được địa chỉ. Khi cầm hàng quay lại thì người nhà cho biết đối tượng đã bỏ đi đâu không liên lạc được.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của thương mại điện tử đã kéo theo việc gia tăng đáng kể những người làm nghề giao hàng. Trên các trang mạng xã hội như Người tìm ship - Ship tìm người Hà Nội, số lượng thành viên lên đến hàng trăm nghìn người. Trong đó, phần lớn là thanh niên trẻ, còn đang đi học hoặc nghỉ học, nhưng chưa có việc làm. Hằng ngày, họ phải lăn lộn ngoài đường để chuyển từng đơn hàng, nhận tiền công từ 10 đến 30 nghìn đồng/đơn. Việc phải ứng tiền trước cho chủ hàng rất phổ biến trong công việc của các shipper. Dù rủi ro lớn nhưng để có đơn, hầu hết mọi người trong nghề này đều phải chấp nhận. Theo nhiều chủ hàng, đây là cách "chắc ăn" để đề phòng shipper lấy mất hàng, bỏ hàng không giao. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để các đối tượng lừa đảo lợi dụng, chiếm đoạt tiền của các shipper.

Anh Nguyễn Tiến Lộc (27 tuổi) ở Thanh Hóa ra Hà Nội làm người giao hàng đã được ba năm nay. Bằng kinh nghiệm của mình, Lộc chia sẻ, các shipper khi nhận chuyển hàng nên đến tận nhà hoặc cửa hàng của người bán, chọn nơi giao là nhà riêng hoặc có địa chỉ cụ thể, tuyệt đối không giao nhận ở những nơi công cộng, địa chỉ khó xác định. Cần kiểm tra kỹ số điện thoại người nhận, gọi kiểm tra trước khi giao hàng. Nếu đơn hàng có giá trị quá lớn, thì chỉ nên đặt cọc một phần tiền hàng, kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi giao để tránh tình trạng nhận hàng cấm, hàng lậu... Nếu bị lừa đảo thì cần chia sẻ vụ việc lên mạng xã hội để truy tìm kẻ lừa đảo, đồng thời cảnh báo cho mọi người.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34017802-can-trong-voi-nghe-giao-hang.html