Cần tư duy công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, ngoài vấn đề huy động vốn đầu tư còn rất cần đến tư duy công nghiệp, thoát ly hẳn những hoạt động manh mún trước kia.

Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là một số ý kiến được nêu ra tại hội thảo “Tín dụng NH thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 30/10.

Chỉ vốn tín dụng không đủ để thay đổi ngành nông nghiệp

Nhìn nhận về tín dụng cho đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, TS Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng Giám đốc BIDV cho rằng: Việc NHNN yêu cầu lãi suất trần 7% với lĩnh vực nông nghiệp là một nỗ lực của ngành NH. Cần thay đổi tư duy chỉ xoay quanh đến vấn đề hạ lãi suất, trong khi đó đây là lĩnh vực rủi ro cao. Thực tế vấn đề quy hoạch nông nghiệp hiện nay vẫn chưa tốt, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra ngày càng rõ rệt nhưng người nông dân vẫn “loay hoay” trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Vấn đề bảo hiểm nông nghiệp lại áp dụng phí quá cao như bảo hiểm thông thường khác, nên cũng chưa mang lại nhiều tác động tích cực.

Đại diện BIDV cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích tụ ruộng đất, đẩy nhanh khoán 10, vì theo ông Lực, sự thiếu hiệu quả trong nông nghiệp cũng bắt nguồn từ hoạt động dựa trên ruộng đất mạnh mún. Bên cạnh tín dụng, cần cải thiện đồng bộ về hạ tầng giao thông, đào tạo nghề cho nông dân, cải cách bảo hiểm nông nghiệp…

“Nếu chỉ dựa vào việc tìm cách cho nông dân hưởng lãi suất ưu đãi, thực chất là bao cấp, cơ chế xin cho sẽ không phải là giải pháp hiệu quả trong dài hạn. Sự hỗ trợ đồng bộ của các bên liên quan như hiệp hội, bộ, ngành để có các dự án nông nghiệp thật sự hiệu quả hoàn toàn cho vay được theo lãi suất thông thường, vẫn tạo động lực phát triển mạnh mẽ nông nghiệp”, TS Lực nói.

Nhấn mạnh việc cần có tư duy công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nếu chỉ nhìn vào bài toán thế chấp của người nông dân để đi vào tìm hướng giải quyết khó khăn trong tiếp cận tín dụng hiện nay là bất hợp lý. Chúng ta không thể, hay đúng hơn là không có quyền đòi hỏi NH hạ chuẩn cho vay với nông dân, mà chỉ có thể điều chỉnh thời gian cho vay theo chu kỳ phát triển nông nghiệp và quy định lãi suất vay.

Cần đặt vấn đề là người nông dân có ý tưởng mới trong sản xuất nông nghiệp, cần thực hiện liên kết lại với nhau để hình thành những diện tích đất lớn nhằm thực hiện sản xuất theo quy mô công nghiệp, áp dụng được khoa học công nghệ.

Cần phải hình thành một NH đất. NH đất này có mô hình như một cơ quan Nhà nước, được Nhà nước thành lập, nhận ruộng của người nông dân, giống như thuê lại đất của người nông dân rồi cho các DN muốn đầu tư vào nông nghiệp thuê lại đất của Nhà nước.

“Nó sẽ như NH xã hội đất, là DN dịch vụ công không lợi nhuận, hoặc có thì là dựa trên kết quả kinh doanh đất của DN”, TS. Kiên gợi mở về một tư duy công nghiệp cho nông nghiệp.

Sẽ tập trung vốn tín dụng, ưu tiên hiệu quả thực tế

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã nêu một một số quan điểm định hướng sắp tới đối với tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó, ngành NH sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương. Sẽ tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp, chứ không tràn lan, tập trung ở các lĩnh vực trọng tâm. Hiện tại có 22 chương trình tín dụng ưu đãi dàn hàng ngang, thời gian tới sẽ thu gọn lại. Những chính sách nào ưu tiên ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn phải gắn với hiệu quả thực tế.

Các NH cần đặc biệt cho vay các dự án, DN, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Trong đó, cần hài hòa lợi ích các bên tham gia, các NH như “sợi dây” tạo ra lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết này.

Về cơ chế chính sách hiện tại, Phó Thống đốc NHNN cho rằng: Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là sự cởi mở rất tích cực với ngành này. Tuy nhiên, thời gian qua, quan hệ tín dụng giữa NH với nông nghiệp chưa thật sự bám sát theo Nghị định 55. Có nhiều chính sách, nhưng cũng phụ thuộc nhiều bộ, ngành khác, như Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, cũng chưa có sự phối hợp đồng bộ, vì ngư dân ngoài vốn tín dụng cần nhiều sự hỗ trợ các bộ, ngành khác nhau để triển khai hiệu quả.

“Cần tăng cường sự phối hợp chính sách giữa các bộ, ngành, địa phương để nguồn tín dụng ngân hàng hết sức hỗ trợ được DN, người dân”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/can-tu-duy-cong-nghiep-trong-san-xuat-nong-nghiep/290313.vgp