Cần xây dựng Bộ quy chuẩn, quy tắc ứng xử trong lễ hội

Trước Tết Nguyên đán, các địa phương có lễ hội (LH) lớn đã xây dựng “kịch bản” quản lý, tổ chức LH Xuân Đinh Dậu bài bản, chặt chẽ. Thế nhưng trên thực tế, hiện tượng tranh cướp “lộc”, đốt nhiều vàng mã, tình trạng xả rác bừa bãi, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch… vẫn diễn ra tại nhiều LH những ngày đầu xuân. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần xây dựng Bộ quy chuẩn, quy tắc ứng xử trong LH góp phần định hướng cho cộng đồng trong hoạt động vốn ý nghĩa này.

Thể hiện văn hóa ứng xử giúp giữ gìn và phát huy vẻ đẹp truyền thống của lễ hội. Ảnh: Anh Tuấn

Nhiều hành vi lệch chuẩn

Năm 2016, công tác quản lý, tổ chức LH trên phạm vi cả nước có sự chuyển biến tích cực về mọi mặt. Các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa và công chúng tin tưởng “mùa” LH năm 2017 sẽ tiếp đà đổi mới, tiến bộ để hoàn thiện hơn. Song, thật đáng tiếc, một số LH tại Hà Nội vừa khai xuân đã có… sạn. Đó là hành vi phát lộc tự phát khiến đám đông lao vào tranh cướp, giành giật của một nhà sư trong ngày khai hội chùa Hương (Mỹ Đức); cảnh chen lấn, xô đẩy kinh hoàng trong nghi lễ “cướp lộc” hoa tre, trầu cau ở LH đền Sóc (Sóc Sơn); tình trạng đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch tại phủ Tây Hồ (Tây Hồ), cụm di tích đình, chùa Bia Bà (Hà Đông)…

Đáng nói hơn, không gian linh thiêng trước chùa Mía, xã Đường Lâm (Sơn Tây) những ngày đầu xuân chẳng khác gì cái chợ. Từ cổng vào đến sân chùa la liệt hàng quán, dịch vụ, người ăn xin. Điểm trông giữ xe bố trí ngay trước cổng chùa và đường đi, gây ắch tắc giao thông thường xuyên.

Khách quan mà nói, những hiện tượng nêu trên không phải là phổ biến; không diễn ra thường xuyên. Song, trong bối cảnh cả xã hội đang hướng tới sự văn minh, tiến bộ thì những hành vi lệch chuẩn của đám đông hay của một cá nhân bị dư luận lên án cũng là điều dễ hiểu. Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện tượng tranh cướp lộc, tiềm ẩn nguy cơ bạo lực ở một số LH có một phần nguyên nhân từ việc dự báo chưa tốt, quản lý chưa phù hợp của các cơ quan chức năng.

Ở góc độ khác, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định, nhận thức sai lệch về LH của cả người tổ chức và người tham gia LH hiện nay là hệ quả của một thời kỳ đứt quãng tổ chức LH hàng chục năm trước đó. Đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nhiều địa phương mới quan tâm phục dựng LH nhưng do nghiên cứu chưa kỹ, tư liệu không còn đầy đủ, phục dựng theo phong trào…, một số LH diễn ra sau này không đúng với LH truyền thống. Dần dần, LH xa rời bản chất vốn có, “nhường chỗ” cho các giá trị do xã hội đương thời áp đặt lên.

"Một thời gian dài, công tác quản lý, tổ chức LH chưa được quan tâm đúng mức. Hậu quả là hôm nay, nhiều người hiểu và tin cướp lộc sẽ có được lộc, muốn xin tiền, xin lộc phải “hối lộ”, “đút lót” thần linh...".

TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển

Điều chỉnh những yếu tố chưa phù hợp

Nhìn nhận tình trạng phát lộc, cướp lộc, bạo lực trong LH có xu hướng lan rộng, TS Nguyễn Văn Vịnh đề nghị các cơ quan hữu quan xây dựng chương trình giáo dục tín ngưỡng, bắt đầu từ nhà trường cho thế hệ trẻ. Các cơ quan truyền thông nên phản ánh nhiều hơn giá trị, ý nghĩa và những mặt tích cực của LH, thay vì chỉ nhìn vào mặt tiêu cực để lên án, khiến dư luận hiểu sai…

Cảnh chen lấn tranh giành lộc hoa tre tại hội Gióng đền Sóc. Ảnh: Trọng Tùng

Về tục cướp lộc trong LH đền Sóc, PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Ban tổ chức LH nên có sự đổi mới trong cách thức tổ chức, quản lý cho phù hợp với xã hội đương thời, trên cơ sở nghiên cứu khoa học một cách sâu sắc, khách quan.

Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn chia sẻ, huyện Sóc Sơn tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học và cộng đồng để tổ chức LH ngày một tốt hơn. Theo bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), thời gian tới, Bộ tiếp tục lấy ý kiến các nhà nghiên cứu và cộng đồng để khắc phục, điều chỉnh những vấn đề tồn tại, bất cập trong LH.

Trước xuân hội năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức tọa đàm về văn hóa ứng xử trong LH. Tại đây, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa thống nhất kiến nghị Bộ VH-TT&DL xây dựng Bộ quy chuẩn, quy tắc ứng xử trong LH làm căn cứ để người dân thực hiện. Rõ ràng đây không chỉ là ý kiến của các nhà nghiên cứu mà còn là đòi hỏi cần thiết trước thực trạng trong các LH hiện nay.

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/861934/can-xay-dung-bo-quy-chuan-quy-tac-ung-xu-trong-le-hoi