Căng sức chống sốt xuất huyết

Dù chưa vào cao điểm của bệnh sốt xuất huyết nhưng số ca mắc đã tăng hàng trăm lần. Bệnh viện phải tận dụng cả hội trường làm phòng bệnh và điều động tất cả bác sĩ chống dịch

Trước tình trạng bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) tăng đột biến, sáng 7-8, Ban Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương đã dành hội trường lớn kê 20 giường bệnh làm khu điều trị ban ngày cho bệnh nhân SXH.

Tăng gấp 100-200 lần

Trong khi đó, tại Khoa Viêm gan của BV, hơn một nửa số giường bệnh và toàn bộ hành lang được huy động để điều trị bệnh nhân SXH.

Bà Nguyễn Thị T. (52 tuổi; ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang chăm sóc chồng bị SXH. Suốt 10 ngày nay, bà túc trực ở BV vì mới tuần trước, cả 2 đứa con cùng nhập viện vì SXH, con vừa xuất viện thì đến phiên chồng. Theo bà T., ở nơi gia đình sinh sống có nghe tuyên truyền nhiều về dịch SXH và hằng ngày đều vệ sinh nhà cửa nhưng không hiểu sao vẫn có muỗi, vẫn mắc bệnh.

Nằm kế bên, bệnh nhân Lương Văn Dũng (ngụ phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) trước đó bị sốt cao 39,5 độ C kèm theo biến chứng liệt 2 tay, 2 chân. Sau vài ngày điều trị, tay chân anh có thể cử động lại được. "Khu ngõ nhà tôi có 15 hộ dân thì hơn 10 người bị SXH" - anh Dũng nói.

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết dịch SXH thường 3-4 năm lên đỉnh dịch 1 lần nhưng năm nay, dịch bệnh diễn biến rất nhanh và đến sớm. Tháng 6, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, đến tháng 7 và 8 tăng 100-200 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi ngày, BV đều tiếp nhận từ 900-1.000 bệnh nhân có biểu hiện SXH tới khám. Thay vì 6 phòng khám SXH, hiện BV đã tăng cường lên 10 phòng.

"Hiện tại là kê thêm giường để bệnh nhân không phải nằm ghép. Nếu quá tải, BV sẽ lập mô hình điều trị dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân. Việc mở rộng các phòng bệnh điều trị ban ngày chăm sóc cho bệnh nhân tránh trường hợp bị sốc vì truyền nước tại các cơ sở, phòng khám tư" - bác sĩ Ninh nói.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương sử dụng hội trường để tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết Ảnh: KHÁNH AN

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương sử dụng hội trường để tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết Ảnh: KHÁNH AN

Khám bệnh cả cuối tuần

Các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới trung ương nhận xét so với những năm trước, năm nay, số bệnh nhân nặng nhập viện do SXH tăng hơn hẳn. Con số này cũng tương đồng với số ca mắc SXH ở Hà Nội thời gian qua tăng hàng chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV, cho hay Ban Giám đốc BV đã yêu cầu nhân viên các khoa, phòng thuộc bộ phân liên quan đến công tác khám chữa bệnh làm việc cả thứ bảy và chủ nhật. Tất cả bác sĩ, điều dưỡng được cử đi học nâng cao tay nghề; bác sĩ đi công tác, đi giảng dạy ở các cơ sở đều được điều động về BV tập trung điều trị cho bệnh nhân.

"Những tuần qua, BV đã phải huy động toàn bộ khoảng trống, kê giường ngoài hành lang, rút bớt phòng bác sĩ để đón tiếp bệnh nhân. Quy trình khám chữa bệnh giảm thiểu các bước để bệnh nhân được khám nhanh nhất có thể. Thời tiết đang diễn biến phức tạp, mưa liên tục, do đó dự báo dịch bệnh SXH sẽ gia tăng, đỉnh dịch tháng 8-9 nên có thể số ca mắc còn tiếp tục tăng" - PGS Kính chia sẻ.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Khoa Hồi sức tích cực, lo ngại mặc dù đến thời điểm này, hầu hết bệnh nhân SXH mắc các type cũ nhưng các bệnh nhân SXH nặng nhập viện ở độ tuổi trung niên phần lớn có nền bệnh sẵn như đái tháo đường và tăng huyết áp. Một số trường hợp bệnh nhân SXH đã bị biến chứng xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa... BV này đang điều trị cho 7 bệnh nhân nặng và có các biến chứng do SXH, trong đó có 1 trường hợp là bệnh nhân nữ 36 tuổi ở Hà Nội tiên lượng nguy kịch khó qua khỏi.

71.000 người mắc, 19 ca tử vong

Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 71.000 trường hợp mắc SXH; trong đó có hơn 60.000 trường hợp nhập viện, 19 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số ca nhập viện tăng 24,8%; số người tử vong tăng 3 người. Số người mắc vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam (chiếm 59%).

Hà Nội: Tuần qua ghi nhận 2.745 ca mắc SXH, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên gần 11.800 ca. Trong tuần này, các quận, huyện của TP Hà Nội đang thành lập các đội xung kích diệt mầm bệnh SXH.

Đà Nẵng: Dịch SXH đã tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái với 3.845 ca mắc trong 7 tháng đầu năm. Theo ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, tình hình dịch SXH ở TP Đà Nẵng diễn ra khá phức tạp tại 7/7 quận, huyện và số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Cần Thơ: Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cho thấy trong 7 tháng đầu năm, TP này đã ghi nhận khoảng 725 ca SXH, tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, người dân chưa có ý thức khi vứt rác thải gây ứ đọng nước, ngập nghẹt dẫn đến phát sinh lăng quăng, muỗi. Với hơn 700 ca SXH thì TP Cần Thơ đã tăng với cùng kỳ nhưng so với 20 tỉnh, thành phía Nam thì TP Cần Thơ chỉ xếp thứ 16.

TP HCM: Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, TP có gần 12.000 ca mắc SXH từ đầu năm đến nay, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 4 ca tử vong. BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh TP đang đẩy mạnh giải pháp xử phạt những trường hợp không thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm, 75 tổ chức, cá nhân tại 10 địa phương bị xử phạt (mức phạt trung bình khoảng 2 triệu đồng) vì không thực hiện phòng bệnh, tăng nguy cơ gây bệnh cho cộng đồng.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, cảnh báo từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, các trường mầm non sẽ bước vào năm học mới. Đây là thời điểm nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nên yêu cầu các đơn vị trực thuộc ở tuyến quận, huyện, phường, xã phối hợp với các trường học thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tăng cường truyền thông.

N.Dung - B.Vân - C.Tuấn - N.Thạnh

NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cang-suc-chong-sot-xuat-huyet-20170807225043349.htm