Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU bất ngờ leo thang

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) bất ngờ leo thang căng thẳng sau khi hàng loạt nghị sỹ đứng đầu của Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi đình chỉ các cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, một cuộc bỏ phiếu tại EP để quyết định có tạm dừng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này gia nhập EU hay không, là 'hoàn toàn không có giá trị'.

Phiên họp của EP ngày 24-11 bàn thảo về việc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Ảnh: AFP

Phiên họp của EP ngày 24-11 bàn thảo về việc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Ảnh: AFP

Phát biểu tại Hội nghị Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Istanbul ngày 23-11, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ coi trọng các giá trị châu Âu hơn nhiều quốc gia EU, song Ankara không nhìn thấy bất cứ sự ủng hộ nào từ các nước "bè bạn phương Tây". Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa cáo buộc một số nước EU chứa chấp các tay súng của đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra sau khi các nghị sĩ hàng đầu trong EP đã kêu gọi tạm dừng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này gia nhập EU do các cuộc thanh trừng sau vụ đảo chính hồi giữa tháng 7 vừa qua. Đây không phải là lần đầu tiên giới chức châu Âu lên tiếng chỉ trích và đề xuất hành động phản đối chiến dịch thanh trừng ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi có tới hơn 110.000 người, từ binh sỹ, thẩm phán, lãnh đạo người Kurd đến các học giả, nhà báo bị cách chức, đuổi việc vì cáo buộc liên quan tới cuộc đảo chính hồi tháng 7. Châu Âu không thể chấp nhận được việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ khoảng 36.000 người và đóng cửa hàng loạt cơ quan truyền thông, báo chí sau cuộc đảo chính đó.

Từ chỗ ca ngợi hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết thúc đẩy đàm phán gia nhập cho nước này khi đạt được thỏa thuận ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp hồi tháng 3 năm nay, giới chức châu Âu giờ đây chỉ trích nặng nề cách hành xử của chính quyền Tổng thống Erdogan. Lãnh đạo phái nghị sĩ lớn nhất trong Nghị viện châu Âu là Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) nhấn mạnh: "Thông điệp của chúng tôi đối với Thổ Nhĩ Kỳ rất rõ ràng là các cuộc đàm phán gia nhập EU cần phải được dừng ngay lập tức". Ông Guy Verhofstadt, nghị sĩ của Liên minh Tự do, tuyên bố đa số nghị sĩ tại EP đều yêu cầu ngừng các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này và đặt ra một số điều kiện nếu tái khởi động trong tương lai.

Cho đến nay, Áo và Luxembourg đã yêu cầu ngừng các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi Đức, Pháp và phần lớn các quốc gia EU khác chủ trương tiếp tục cam kết và lo ngại nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngừng hợp tác với EU về vấn đề người di cư, khiến cho cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu càng thêm trầm trọng.

Thực tế, cả Thổ Nhĩ Kỳ và EU đều không muốn quan hệ hai bên xấu đi. Đối với EU, việc đổ vỡ quan hệ với Ankara sẽ khiến khu vực này không còn tấm lá chắn trước làn sóng người nhập cư vẫn ồ ạt cập bến Nam Âu. Các nước thành viên EU sẽ phải khốn đốn vì cuộc khủng hoảng người tị nạn từng được cho là tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đại diện cấp cao phụ trách vấn đề an ninh và đối ngoại của EU, Federica Mogherini cảnh báo nếu chấm dứt đàm phán, cả hai bên đều không có lợi và cách tốt nhất để thúc đẩy dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ là tiếp tục đối thoại với nước này.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nuôi hy vọng trở thành một thành viên trong ngôi nhà chung EU, dù trước đó Tổng thống Erdogan tuyên bố có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm tới về việc quốc gia này có tiếp tục các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU hay không cũng như khả năng gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Có lẽ vì lẽ đó, nên các lãnh đạo EU đã quyết định sẽ đưa vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 15 và 16-12 tới.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cang-thang-giua-tho-nhi-ky-va-eu-bat-ngo-leo-thang/