Căng thẳng Mỹ - Triều hạ nhiệt: Kinh tế Hàn Quốc vẫn chịu thiệt hại lớn

Tuy có hạ nhiệt nhưng khủng hoảng tên lửa Bắc Triều Tiên vẫn tác động rất nặng nề tới nền kinh tế Hàn Quốc.

Những lời tuyên bố mang tính dọa nạt đối với Bắc Triều Tiên mấy ngày qua đã được thay thế bằng những lời kêu gọi hòa bình. Thị trường thế giới nhìn chung đã có những phản ứng tích cực trước các diễn biến “hạ nhiệt” từ bán đảo Triều Tiên.

Ngày 15/8 vừa qua được coi là ngày lễ chung hiếm hoi giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, khi mà ở cả hai nước đều kỷ niệm ngày bán đảo Triều Tiên được giải phóng. Tuy nhiên, 21/8 tới, Mỹ và Hàn Quốc vẫn dự kiến tổ chức cuộc tập trận mang tên “Người bảo vệ Tự do Ulchi”. Tình hình có thể lại nóng lên vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc tập trận.

Tổng thống Moon Jae In tham dự Lễ Quốc khánh Hàn Quốc hôm 15/8 tại Seoul

Gián tiếp nhưng nặng nề

Tuy có hạ nhiệt nhưng khủng hoảng tên lửa Bắc Triều Tiên vẫn là đề tài nóng bỏng trên các trang báo quốc tế. Nhìn chung, dư luận truyền thông đều cho rằng, kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tên lửa Bắc Triều Tiên. Những tác động từ khủng hoảng, dù là gián tiếp, nhưng lại rất nặng nề, tới nền kinh tế Hàn Quốc.

Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, đã áp dụng nhiều biện pháp trả đũa việc Seoul triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Mặc dù THAAD nhằm chống tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh lại coi đó là mối đe dọa tới an ninh của Trung Quốc nên đã phản ứng gay gắt vào hồi tháng 07/2016. Đó là thời điểm khi tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là bà Park Geun Hye quyết định triển khai THAAD và vào hồi tháng 03/2017 khi lá chắn THAAD chính thức bắt đầu được lắp đặt ở Seongju - miền trung Hàn Quốc. Hàng hóa Hàn Quốc đã bị tẩy chay dữ dội ở Trung Quốc. Bắc Kinh thậm chí còn cấm công dân Trung Quốc sang Hàn Quốc du lịch.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế của Hàn Quốc (KITA), xuất khẩu phụ tùng xe hơi của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã sụt giảm 33% trong giai đoạn tháng 03 - 05/2017. Lượng sản phẩm của hãng Hyundai - Kia bán ra trên thị trường nước láng giềng Trung Quốc cũng sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cả các nhà cung cấp của hãng này. Gần 1.000 công ty Hàn Quốc trong lĩnh vực xe hơi bị tác động ở nhiều mức độ khác nhau. Ngày 27/7/2017, trong buổi gặp gỡ giữa giới doanh nhân và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc), phó chủ tịch Hyundai-Kia, ông Chung Eui Sun, đã phải cầu cứu sự giúp đỡ của đích thân tổng thống Moon.

Samsung, hãng đứng đầu bảng trên thị trường điện thoại thông minh ở Trung Quốc hồi năm 2016, đã tụt xuống vị trí thứ 8 vào năm nay. Các tập đoàn mỹ phẩm Hàn Quốc cũng chịu chung số phận, trước hết phải kể tới Amore Pacific, công ty sở hữu các nhãn hiệu Sulwhasoo, Mamonde và Innisfree, vốn rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Doanh số bán hàng quý 2/2017 của Amore Pacific đã giảm 17,8%, còn 1410 tỉ won (1.05 tỉ euro). Lợi nhuận của hãng giảm 57,9%, còn 130,4 tỉ won. Lợi nhuận của tập đoàn LG Household&Health Care, một gã khổng lồ khác trong ngành mỹ phẩm Hàn Quốc, cũng giảm 57,9%.

Tập đoàn phân phối thực phẩm Lotte, doanh nghiệp cho chính phủ triển khai THAAD trên phần đất của công ty mình, cũng bị giảm 4,3% doanh số bán hàng quý 1/2017, do không xuất khẩu được nhiều hàng sang Trung Quốc, nhiều chuỗi cửa hàng của Lotte tại Trung Quốc phải đóng cửa. Do du lịch mất mùa, chuỗi cửa hàng miễn thuế của Lotte cũng không còn « ăn nên làm ra» như trước đây.

Thoát khỏi tình thế bị mắc kẹt

Theo thống kê mới đây, du lịch Hàn Quốc hiện đã giảm 36,2%/năm, do mất tới 66,4% khách hàng Trung Quốc. Thu nhập của ngành du lịch Hàn Quốc đạt mức thấp nhất từ quý 2/2011. Căng thẳng song phương cũng khiến số du khách Hàn Quốc tới Trung Quốc giảm 60% vào quý 2/2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Số chuyến bay nối hai quốc gia cũng giảm 44,9%. Bộ Du lịch Hàn Quốc đã phải chi 80 tỉ won để hỗ trợ các hãng lữ hành.

Trong hoàn cảnh hiện tại, về kinh tế, các nhà công nghiệp Hàn Quốc cần tìm cách thích nghi, tập trung phát triển các thị trường như Mỹ, Malaysia và Thái Lan. Về chính trị và an ninh, Tổng thống Moon Jae In tìm cách thoát khỏi thế kẹt giữa đối thủ và đối tác đều mạnh mẽ không kém gì nhau.

Chỉ mới lên cầm quyền được ba tháng, tân tổng thống Hàn Quốc hiện đang phải nhức đầu để tìm cách đối phó với tình huống nguy hiểm: Đối thủ truyền thống là Bắc Triều Tiên cũng như đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ mà Seoul phải dựa vào đều hung hăng không kém gì nhau. Cuộc đấu khẩu Mỹ-Bắc Triều Tiên mà biến thành đấu pháo chắc chắn sẽ đẩy Hàn Quốc vào một tình huống nguy khốn, nhưng Seoul lại chưa tìm ra giải pháp thỏa đáng.

Đối với tổng thống Moon, một người chủ trương hòa dịu với người anh em thù địch phương Bắc, việc Bắc Triều Tiên mới đây đã bác bỏ đề nghị đàm phán của ông là một vố đau, vì mục tiêu hòa giải để giảm nhiệt của ông đã bị thất bại.

Vấn đề là trong cùng một thời điểm, tổng thống Donald Trump của nước Mỹ đồng minh với Hàn Quốc thì lại làm cho Seoul cực kỳ quan ngại, với những lời cảnh cáo nẩy lửa nhắm vào Bình Nhưỡng rằng ông sẽ trút bão lửa xuống đầu miền Bắc nếu Hoa Kỳ bị chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên đe dọa.

Bất kỳ một xung đột nào bùng lên giữa hai bên chắc chắn sẽ tác hại đến Hàn Quốc, nước đang phải đối phó với hàng ngàn binh lính miền Bắc và dàn đại pháo đang hướng về phía Nam, dọc theo đường biên giới phân chia hai nước. Theo nhiều quan chức cấp cao Hàn Quốc, tổng thống Moon Jae In như vậy đã bị lâm vào thế kẹt, không còn chọn lựa nào khác là cố sức khuyến khích Washington thảo luận trực tiếp với Bình Nhưỡng để giải quyết những bất đồng.

Theo Nhadautu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/cang-thang-my--trieu-ha-nhiet-kinh-te-han-quoc-van-chiu-thiet-hai-lon-214737/