Căng thẳng thanh khoản đang “gõ cửa” ngân hàng?

Những ngày này, giữ ổn định thanh khoản vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhất là khi thị trường đang bước vào mùa “căng thanh khoản”.

Những ngày gần đây, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở một số giao dịch lên tới trên 20%/năm, báo hiệu mùa căng thẳng thanh khoản đang gõ cửa các ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank, căng thẳng thanh khoản cuối năm được coi là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Chúng được dồn tích ở hai thời điểm gần nhau là cuối năm dương lịch và cuối năm âm lịch. Sở dĩ như vậy là bởi nhu cầu tích trữ hàng hóa, thanh toán, rút tiền, vay thêm, thực hiện cam kết thanh toán hợp đồng... ở mức cao nhất so với các thời điểm khác trong năm.

Là mạch máu của nền kinh tế nên sự căng thẳng nói trên dồn ép xuống hệ thống ngân hàng, gây căng thẳng thanh khoản cho một số tổ chức tín dụng, thậm chí, căng thẳng cục bộ trong nội bộ từng tổ chức tín dụng.

Giới phân tích tài chính cho rằng, dấu hiệu căng thẳng của mùa vụ thanh khoản bắt đầu và điều đáng lưu tâm là được... “hỗ trợ” thêm bởi một số yếu tố khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, sau ngày 7/9, trước nạn lách trần lãi suất tiền gửi bằng “ủy thác đầu tư”, “khoản phải thu”, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết lập trật tự này. Theo đó, một số ngân hàng thương mại lớn một mặt phải rà soát lại định mức tín dụng cấp cho các ngân hàng nhỏ; mặt khác, hối thúc các công ty con sân sau thu các khoản tiền lách nói trên về ngân hàng mẹ.

Nhờ đó, việc hạch toán dòng tiền ở các ngân hàng đang hướng tới đúng và đủ nhưng cũng vì thế, dòng vốn ở một số tổ chức tín dụng lâu nay kinh doanh một phần nhờ vào khoản này bị cạn kiệt dần. Thứ hai, gần đây, do bị tuyên truyền quá mức về khả năng ngân hàng nhỏ sẽ bị sáp nhập, thôn tính nên một bộ phận lớn tiền gửi bị rút đi, trong khi huy động bị sụt giảm, đã khiến cho thanh khoản ở các đơn vị trong nhóm này đã khó lại khó thêm.

Thứ ba, việc siết chặt kỷ luật trần lãi suất tiền gửi 14%/năm cũng là một nguyên nhân khiến cho dòng tiền chảy vào ngân hàng bị thu hẹp lại và mất cân đối giữa nguồn và sử dụng nguồn. Cụ thể, số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, so sánh tháng 10/2011 so với 31/12/2010, huy động toàn hệ thống chỉ tăng 8,59% nhưng tín dụng tăng tới 8,61%, cân đối giữa nguồn và sử dụng nguồn có sự chênh lệch đáng kể. Khó khăn về mất cân đối này đã khiến những đơn vị yếu thanh khoản không còn lựa chọn nào khác là chịu đựng lãi vay cao trên thị trường liên ngân hàng.

Một chuyên gia bình luận: “Có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực để đường cong lãi suất đi đúng hướng nhưng hệ quả của nó thì thanh khoản hệ thống đang có vấn đề!”.

Theo Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, trong tình hình hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần ưu tiên khơi vốn từ dân cư vào ngân hàng và muốn thế, phải nâng hoặc bỏ trần lãi suất tiền gửi, đồng thời xác lập trần lãi suất tiền vay. Bởi lẽ, trần lãi suất tiền gửi không hề ảnh hưởng đến lạm phát mà lãi suất tiền vay mới ảnh hưởng đến lạm phát.

Một chuyên gia khác cho rằng, cùng với giải pháp trên, Ngân hàng Nhà nước cần tích cực bơm thêm vốn qua các kênh tái cấp vốn và OMO. Thực ra, cách đây hơn một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã rất cương quyết hành động để nhận diện và phân loại bằng được những đơn vị yếu kém, tạo tiền đề cho bước thanh lọc và quá trình tái cơ cấu hệ thống. Tuy nhiên, khi thị trường diễn biến không thuận, thanh khoản hệ thống căng thẳng, đã phải... bơm hỗ trợ thị trường.

Ở đây, về phương diện phối hợp trong chính sách quản lý vĩ mô, có một điều cần lưu ý là trong lúc thị trường đang hết sức khó khăn thì vấn đề bảo hiểm tiền gửi lại được xới xáo lên, nhất là câu chuyện mức bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng/món gửi.

Tổng giám độc một ngân hàng có trụ sở ở miền Tây Nam Bộ phân trần: “Trước đây, khách hàng đến gửi, bao nhiêu tiền cũng chỉ một món. Nhưng kể từ khi nghe truyền thông ầm ĩ về chuyện gửi nhiều cũng chỉ được bảo hiểm 50 triệu đồng, nhiều khách đã chia món tiền lớn thành nhiều món nhỏ, cho nhiều người thân đứng tên. Chúng tôi đến khổ vì thêm công thêm việc và tốn kém chi phí”.

Như vậy, dù với mong muốn tái cấu trúc, làm lành mạnh hệ thống... thì

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20111117084841762p0c6/cang-thang-thanh-khoan-dang-go-cua-ngan-hang.htm