Căng thẳng với Nga, Ukraine ngửa mặt than trời, giá như đừng phá hủy phi đội 'Thiên nga trắng' Tu-160

Trong quá khứ Ukraine từng có tới 19 chiếc siêu oanh tạc cơ Tu-160, nhiều hơn cả Nga hiện tại. Tuy vậy nước này đã chấp nhận phá hủy toàn bộ phi đội này dưới sức ép của Nga và Mỹ.

Việc giải giáp các vũ khí chiến lược trong đó có máy bay Tu-160 là một quyết định sai lầm đáng tiếc khiến năng lực chiến đấu của không quân Ukraine xuống thậm tệ.

Từ một cường quốc không quân đứng thứ 3 thế giới, giờ đây họ đang phải mua các máy bay cũ và tận dụng chúng.

Máy bay chiến lược Tu-160 biệt danh "thiên nga trắng" hiện là một trong số những loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất thế giới.

Tầm bay xa, tải trọng bom lớn, tốc độ cao khiến Tu-160 được coi là quái vật ném bom trên không do Liên Xô phát triển.

Tu-160 được Liên Xô phát triển như là một đối trọng với máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ.

Dù vậy hai loại máy bay này lại có ngoại hình khá giống nhau với thiết kế cánh cụp cánh xòe và có thể bay với vận tốc siêu tâm.

Tu-160 được coi là kỳ quan công nghệ hàng không cuối cùng của Liên Xô về lĩnh vực máy bay ném bom chiến lược.

Sau khi Liên Xô tan rã, Tu-160 thuộc quyền sở hữu của 2 nước thành viên chủ chốt là Ukraine và Nga.

19 chiếc Tu-160 thuộc Trung đoàn ném bom hạng nặng "Cận vệ 184" đóng tại Pryluki thuộc Ukraine đã được nước này tuyên bố sở hữu.

Như vậy trong tổng số 25 chiếc Tu-160 hoàn thiện Nga chỉ giữ được 6 chiếc.

Khi thuộc quyền sở hữu của Ukraine, số phận thê thảm của "Thiên nga trắng" Tu-160 mới bắt đầu.

Cả người Mỹ và Nga sẽ không muốn thấy những chiếc oanh tạc cơ cực nguy hiểm này tồn tại nên tìm mọi cách để phá hủy chúng. Hình ảnh chiếc Tu-160 của Ukraine đang bị phá hủy.

Người Nga cũng không muốn Ukraine sở hữu lực lượng không quân quá mạnh dù là hai nước anh em dưới thời Liên Xô.

Các máy xúc lớn được chế tạo thêm bộ phận lưỡi cắt để phá hủy những chiếc máy bay ném bom chiến lược của Ukraine.

Phần đầu gục xuống sau nhát cắt minh chứng cho số phận thê thảm của một trong những dòng máy bay đỉnh cao mà Ukraine sở hữu.

Đáng chú ý là những chiếc Tu-160 vẫn còn khá mới vì chúng mới được đưa vào trạng bị. Kinh tế bi đát sau thời hậu Liên Xô khiến Ukraine không thể duy trì được số lượng máy bay khủng này.

Mặt khác việc duy trì trạng thái chiến đấu cũng đặt ra bài toán khó khăn khi mà các thành phần làm nên chiếc Tu-160 lại được sản xuất từ khắp nơi trên lãnh thổ Liên Xô trước đây. Việc mua phụ tùng thay thế rất khó khăn và đắt đỏ.

Theo thỏa thuận giữa Ukraine với Mỹ và Nga, nước này sẽ phải phá hủy hoặc thanh lý các vũ khí chiến lược, đổi lại Kiev sẽ được hai cường quốc này bảo trợ nếu xảy ra chiến tranh.

Ukraine đã phá hủy chiếc Tu-160 đầu tiên vào năm 1999. Đáng nói chiếc máy bay này mới bay có hơn 400 giờ, tiềm năng sử dụng của nó còn rất lớn.

Nga đã thành công trong việc mua 8 máy bay Tu-160, 3 Tu-95MS và hơn 575 tên lửa hành trình (bao gồm cả các tên lửa Kh-55SM) cùng các thiết bị hỗ trợ mặt đất, đổi lại Ukraine sẽ được khấu trừ 285 triệu USD tiền khí đốt.

Thông qua đại diện cao cấp Washington, công ty Mỹ Platforms International Corporation đã mua 3 chiếc Tu-160 cùng với vật tư, các bộ phận thay thế dự phòng với một giá rẻ mạt như cho không là 20 triệu USD.

Như vậy tổng cộng Ukraine đã phá hủy 8 chiếc Tu-160, chiếc cuối cùng bị phá hủy vào năm 2006. Mặc dù Nga rất muốn mua thêm nhưng Mỹ đã ngăn cản việc này.

Ngoài Tu-160 còn có 40 máy bay ném bom Tu-22M3, 230 tên lửa chống hạm tầm xa Kh-22 và 483 tên lửa hành trình X-55 cũng bị phá hủy.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-cang-thang-voi-nga-ukraine-ngua-mat-than-troi-gia-nhu-dung-pha-huy-phi-doi-thien-nga-trang-tu160/792098.antd