Cảnh báo: Có thể bị co giật vì thiếu... Facebook

Một gia đình đưa đứa con 14 tuổi vào bệnh viện Bạch Mai để chữa trị với tình trạng co giật. Sau khi khám, bác sĩ xác định cậu bé bị bệnh "nghiện Facebook" với biểu hiện lên cơn co giật khi gia đình cấm cậu bé chơi Facebook và kết luận: Cậu bé này mắc hội chứng "nghiện Facebook"!

Nghiện Facebook bây giờ không còn là hội chứng là đã là bệnh!.

Nghiện facebook là gì?

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, hội chứng nghiện Facebook có nghĩa là một người dành quá nhiều thời gian trên Facebook, ảnh hưởng đến hoạt động quan trọng khác trong cuộc sống như công việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè thật. Sử dụng Facebook nhiều nhưng có mục đích rõ ràng thì không gọi là nghiện.

Khác với nghiện game thường rơi vào lứa tuổi trẻ, nghiện Facebook có thể rơi vào bất cứ đối tượng nào không phân biệt nam, nữ, già, trẻ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Sức khỏe Tâm thần cho biết, trên thế giới hiện chưa có mã bệnh về nghiện Facebook. Tại Viện cũng chưa có bệnh nhân nào nhập viện vì nghiện Facebook đơn thuần, tuy nhiên từ những bệnh nhân nhập viện, đề nhận thấy có mối liên quan giữa rối loạn tâm thần và Facebook. Bằng chứng là khi điều trị xong, bệnh nhân cũng không còn nghiện Facebook như trước.

Thạc sĩ Lê Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần cũng cho biết, nghiện Facebook dễ khiến người dùng chỉ sống trong thế giới ảo, công việc học tập đều giảm sút. Thậm chí họ không quan tâm đến sức khỏe, ăn ngủ không đúng giờ, không quan tâm đến cuộc sống thường ngày. Từ đó người nghiện Facebook có thể rối loạn giấc ngủ, đêm vào mạng ngày ngủ; có trường hợp phải ngừng học, bị đuổi học. Tình trạng lệ thuộc này có thể làm phát sinh những rối loạn tâm thần tiềm tàng khi người dùng ngủ kém, sức khỏe kém.

Nghiện Facebook ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập, công việc (Ảnh minh họa)

Đến nay, chưa có loại thuốc nào chữa nghiện Facebook, mà chỉ dùng các can thiệp về tâm lý để cách ly bệnh nhân với Facebook: tâm lý được xem là liệu pháp nhận thức giúp người bệnh tự ý thức được vấn đề của mình.

Nếu nhận thấy mình có nguy cơ, bác sĩ khuyên bạn nên dừng sử dụng Facebook hoặc lập kế hoạch sử dụng thời gian hợp lý và kín, để không có lúc nào rảnh để vào Facebook.

“Bạn cố gắng khống chế thời gian dùng, ví dụ ghi chép thời gian vào mạng hàng ngày để theo dõi xem tăng hay giảm đi. Nếu bạn có lo âu, trầm cảm, mất ngủ thì can thiệp thêm bằng thuốc”, tiến sĩ Hà khuyên.

Dấu hiện nghiện Facebook

Để kiểm tra bản thân có bị nghiện, lệ thuộc Facebook hay không, thạc sĩ Hà khuyến nghị có thể dùng thang đo nghiện Facebook của Bergenđược phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na Uy và được xuất bản trong Psychological Reports vào 4/ 2012. Nó bao gồm sáu câu hỏi và bạn trả lời mỗi câu hỏi trong thang từ 1 đến 5 điểm với các tiêu chí:

- Rất hiếm khi: 1 điểm

- Hiếm khi: 2 điểm

- Thỉnh thoảng: 3 điểm

- Thường xuyên: 4 điểm

- Rất thường xuyên: 5 điểm

Điểm số thường xuyên hoặc rất thường xuyên ở ≥ 4/6 mục, tương đương từ 24 điểm trở lên, cho thấy bạn bị nghiện Facebook.

1) Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về Facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó.

2) Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng Facebook càng ngày càng nhiều.

3) Bạn sử dụng Facebook để quên đi các vấn đề cá nhân.

4) Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công.

5) Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bạn bị cấm sử dụng Facebook.

6) Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/ học tập

Người có dấu hiệu nghiện facebook nên hạn chế hoặc từ bỏ facebook để có cuộc sống tốt đẹp hơn. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Nhưng không phải tất cả những trường hợp nghiện facebook đều phải được can thiệp tâm lý và điều trị bằng thuốc. Chỉ khi bạn bị rối loạn sử dụng facebook thì mới cần đưa đi bệnh viện. Vấn đề đặt ra là như thế nào được xem là rối loạn sử dụng facebook?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương,chưa có mốc thời gian cụ thể về tần suất sử dụng Facebook nhưng khi bạn dùng Facebook hàng ngày, khi không có mạng để vào Facebook hoặc người nhà không cho vào bạn cảm thấy bồn chồn, khó chịu. Bạn vào Facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, đang học, việc sử dụng Facebook làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập… Đó là các chỉ báo bạn nên ngừng lại.

TS. Nguyễn Doãn Phương lưu ý, khi bạn hoặc người nhà thấy con, em mình có các dấu hiệu sau thì nên đưa đến bệnh viện để kiểm tra:

- Bạn, con, em bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công. Cảm thấy một sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều

- Con em bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng Facebook.

- Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/ học tập của bạn.

Ánh Dương -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/canh-bao-co-the-bi-co-giat-vi-thieu-facebook-130971.html