Cảnh báo dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát cận Tết

Thời tiết chuyển lạnh hay biến đổi khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh có môi trường phát triển mạnh.

Rửa tay thường xuyên để phòng bệnh (Ảnh minh họa)

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân bùng phát dịch bệnh

Biến đổi khí hậu có tác động tới hầu hết các lĩnh vực quanh môi trường sống của con người. Những tác động của biến đổi khí hậu làm nền nhiệt độ trung bình của trái đất ngày càng tăng lên, băng tan, nước biển dâng, thay đổi nhiệt độ nước và mực nước, thay đổi thời tiết: mưa, bão, hạn hán..., thay đổi mùa và tính chất của mùa.

Việc trời nắng, nóng, nhiệt độ lại giảm đột ngột trong mùa đông và ngay sau đó lại có mưa, rét, ẩm kéo dài nên môi trường trở thành nơi ủ bệnh, cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển và lây lan nhanh chóng cho con người.

Theo nhiều chuyên gia y tế, ngoài những thay đổi bất thường của thời tiết còn có sự chủ quan của người dân và môi trường sống ngày càng ô nhiễm... có thể là nguyên nhân gây bùng phát nhiều loại dịch bệnh.

Các loại dịch bệnh nguy hiểm

Điều kiện khí hậu ảnh hưởng lớn đến các bệnh lây truyền qua đường nước và các bệnh lây truyền do côn trùng, ốc sên, động vật máu lạnh khác. Biến đổi khí hậu có thể sẽ kéo dài mùa truyền bệnh do sinh vật quan trọng và thay đổi phạm vi địa lý của chúng.

Cùng với dịch bệnh do virus Zika đang lây lan, vào thời điểm giao mùa, đây là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát như: sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng, sởi, rubella, viêm não, hô hấp.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Bệnh chân tay miệng ở trẻ

Tất cả mọi người đều sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng sẽ có những người có khả năng bị lây bệnh cao hơn. Môi trường sống, chất lượng cuộc sống và thói quen hàng ngày cũng sẽ ảnh hưởng.

Trẻ em - đặc biệt là trẻ em sống ở các vùng nghèo - là một trong những đối tượng dễ bị lây nhiễm về sức khỏe nhất. Những ảnh hưởng cũng được dự kiến sẽ nghiêm trọng hơn đối với người cao tuổi và người có sức đề kháng kém.

Những khu vực có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém - chủ yếu là ở các vùng sâu vùng xa sẽ ít có khả năng thích nghi nhất nếu không có sự chuẩn bị và đáp ứng.

Các biện pháp cần thiết phòng tránh bệnh

Nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho các con vật truyền nhiễm như muỗi, ve, chuột,… sinh sôi nảy nở, truyền nhiễm bệnh gây nguy hại đến sức khỏe của con người. Do đó cần có phương pháp phòng tránh bệnh.

- Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh do nguồn nước ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại các khu vực bị lũ lụt, cần đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, hóa chất khử trùng nước.

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay, tắm rửa thường xuyên, giữ vệ sinh răng miệng

- Không dùng chung đồ cá nhân, đeo khẩu trang khi ra ngoài

- Che miêng khi ho hoặc hắt hơi

- Tiêm vắc xin

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hóa. Mọi người cần nghiêm chỉnh thực hiện ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi, nước đã được lọc hoặc xử lý vô khuẩn. Bảo quản thức ăn đã chế biến hợp vệ sinh. Chống ruồi nhặng đậu vào thức ăn. Không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín.

- Tình dục an toàn

- Tránh tiếp xúc với các động vật lạ

- Ngủ trong màn để tránh không bị muỗi đốt

- Phòng chống dịch bệnh. Mọi người cần hiểu biết về bệnh dịch đang xảy ra và các biện pháp phòng tránh. Phát hiện sớm người bị bệnh, điều trị kịp thời để cứu sống người bệnh, cách ly và giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh sang người khác.

Oanh Kim (T/h)

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/benh-thuong-gap/dip-tet-la-thoi-diem-cac-benh-dich-nguy-hiem-bung-phat-13-72479-article.html