Cảnh báo đỏ

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố lần đầu tiên Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015. Bản báo cáo dài tới 244 trang có thể coi là bức tranh tổng thể về môi trường Việt Nam với mối hiểm họa ô nhiễm đến từ mọi hướng: Đất, nước, không khí, rác thải, biến đổi khí hậu và thiên tai. Các nhà khoa học, các chuyên gia về môi trường đều thống nhất quan điểm: Môi trường Việt Nam hiện đã ở mức cảnh báo đỏ.

Ảnh minh họa.

Việc công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia về môi trường trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự chú ý của đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Dư luận xã hội quan tâm cũng là lẽ đương nhiên, khi mà vấn nạn ô nhiễm môi trường đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều người, nhiều giới, nhiều ngành, nhiều giai tầng trong xã hội.

Nói một cách cụ thể, không chỉ người nông dân bị mất trắng mùa vụ, thất bát khi nuôi trồng thủy hải sản với các dạng khí hậu cực đoan el Nino, la Nina, mà người dân các đô thị cũng đang vật lộn khốn khổ với vấn nạn ô nhiễm không khí về khói bụi và nguy cơ phát sinh các bệnh về phổi tăng cao.

Đó là lý do Việt Nam có tới 73% trường hợp tử vong do các bệnh không truyền nhiễm, trong đó chủ yếu là các bệnh về phổi. Đó cũng là lý do trong mấy tháng nay, các tổ công tác của Chính phủ phải thường xuyên làm việc với các tỉnh, thành phía Nam để có thể đưa ra được các giải pháp khắc phục hậu quả nặng nề của xâm nhập mặn, hạn hán, thiên tai bão lũ...

GS Nguyễn Lân Dũng từng đưa ra cảnh báo: Nước ta hiện đứng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học với khoảng 2.400 loài thực vật bậc thấp, 11.400 loài thực vật bậc cao, 335 loài thú, 840 loài chim, 317 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, 1.000 loài cá nước ngọt và 2.500 loài cá biển, chưa kể đến các loài vi sinh vật. Song, với mức độ ô nhiễm môi trường như hiện nay sẽ khiến nhiệt độ trái đất sẽ tăng nhanh dẫn đến hậu quả là các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Khoảng 50% các loài động, thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,1-6,40C.

Các nhà khoa học hàng đầu về môi trường chỉ ra rằng, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu có nhiều, song chủ yếu là do con người tác động. Có thể kể đến việc con người đã sử dụng ngày càng nhiều năng lượng, chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt), qua đó đã thải vào khí quyển ngày càng tăng các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến tăng nhiệt độ của Trái Đất.

Công nghiệp hóa và việc tăng quá nhiều xe cơ giới lưu thông là nguyên nhân chính làm tăng lượng khí thải CO2 và làm tăng nhiệt độ khí quyển, gây ra các trạng thái khí hậu cực đoan như thời gian vừa qua.

Cùng với đó là việc nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường nên chưa có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. Sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là một ví dụ điển hình.

Hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế vào tháng 4 vừa qua được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, khiến không chỉ ngư dân điêu đứng vì phải dừng sản suất, mà còn khiến thương lái “đắp chiếu” không tiêu thụ được thủy sản và hàng loạt các hệ lụy khác kèm theo.

Bộ TNMT cũng đã chỉ ra hàng loạt các sự cố điển hình khác khiến môi trường vốn chưa được bảo vệ chu đáo càng thêm ô nhiễm, gồm: Sự cố tràn dầu do chìm tàu Trường Hải Star tháng 4/2012; sự cố bục lò đốt chất thải của Công ty CP phốt pho vàng Lào Cai tháng 2/2012; vụ cháy lò than tại Công ty than Đồng Vông thuộc Công ty Than Uông Bí (Quảng Ninh) tháng 1/2014; sự cố vỡ bể chứa bùn thải chì thuộc Nhà máy chế biến chì kẽm của Công ty TNHH CKC tại Lạng Cá (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng); vụ xả thải của Nhà máy Mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) gây ô nhiễm sông Bưởi tháng 3, 4/2016...

Chính từ sự quan tâm chưa đúng mức đối với vấn nạn ô nhiễm môi trường nên hiện công tác bảo vệ môi trường ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều cấp, nhiều ngành vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Hoạt động khai thác khoảng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ đang làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách; tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, ở một số nơi rất nghiêm trọng. Nhiều làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất đang gây ô nhiễm cao đối với môi trường...

Và lẽ đương nhiên của lý thuyết nhân-quả là đáp lại sự thiếu ý thức, sự tàn phá của con người đối với môi trường là các dạng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ, hiện tượng hoang mạc hóa và biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Vẫn biết, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đương nhiên sẽ không thể tránh khỏi những hệ lụy phát sinh về môi trường.

Song, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân khẳng định như một lời hứa rằng: Trong thời gian tới Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm tới việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải CO2 thấp, xanh và bền vững.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/canh-bao-do/124902