Cảnh báo ngư dân sập bẫy cò lao động

Lợi dụng nhu cầu đi xuất khẩu lao động của nhiều người dân ở các tỉnh Bắc miền Trung, trong thời gian qua các đối tượng cò xuất khẩu lao động đã tung các chiêu trò để lừa đảo.

Bài 1: Những kịch bản hoàn hảo

Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển người dân 4 tỉnh miền Trung được hỗ trợ đền bù tiền để chuyển đổi ngành nghề trong đó khuyến khích đi xuất khẩu lao động, rất nhiều đối tượng cò lao động đang len lỏi khắp các hang cùng, ngõ hẻm ở miền Trung để tìm cách lừa đảo. Nhiều người dân tiền đền bù, hỗ trợ cầm chưa nóng tay đã bị lừa sạch.

Cả đời tích cóp mất sạch chỉ vì cò lao động

Theo đường cát chúng tôi về xã biển Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Người dân ở đồi cát này hầu hết làm nghề biển. Vì vậy sau sự cố môi trường biển miền Trung, do sản lượng đánh bắt giảm và khó tiêu thụ thủy hải sản nên nhiều ngư dân nơi đây tìm cách thay đổi nghề biển bằng cách đi xuất khẩu lao động.

Biết được nhu cầu của ngư dân, một cò lao động tên là Thống ở phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình đã móc nối với các đối tượng Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thành Trung trú ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội tìm về xã Hải Ninh dựng lên màn kịch lừa đảo.

Đầu tiên đánh vào tâm lý của người dân đang nóng lòng đi xuất khẩu lao động để kiếm việc làm và có thu nhập cao trang trải cuộc sống gia đình. Các đối tượng đã đưa ra giấy tờ quảng cáo là chúng có thể đưa lao động đi nhiều nước, vẽ ra viễn cảnh thu nhập mỗi tháng từ 30 triệu đồng trở lên như lao động ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia… thủ tục nhanh chóng, đi lại dễ dàng. Rất nhiều người dân nơi đây đã chọn để đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc.

Khi biết người dân đã tin tưởng, lúc đầu chúng chỉ thu mỗi lao động 30 triệu đồng và đưa ra Hà Nội đào tạo tiếng Hàn Quốc trong vòng hơn 1 tháng. Mọi sinh hoạt, chi phí đi lại, tiền học người lao động phải đóng cho chúng. Sau đó, chúng cho người lao động về quê chuẩn bị thêm tiền để chờ viza qua Hàn Quốc làm việc.

Khi người lao động về quê được khoảng 1 tuần, chúng chuyển ảnh visa cho từng lao động và điện thoại vào đề nghị mỗi lao động chuyển qua tài khoản cho Nguyễn Hữu Sơn 145 triệu đồng, đồng thời Sơn hẹn người lao động ngày ra Hà Nội để lên máy bay. Theo lịch hẹn của Sơn còn một tuần nữa là bay nên nhiều lao động cầm cố nhà cửa, sổ đỏ, sổ hồng để có tiền chuyển cho Sơn.

Anh Nguyễn Thiện Thân và Nguyễn Văn Thoại ở xã Hải Ninh, hai gia đình nhà sát tường nhau bị Nguyễn Hữu Sơn và các đối tượng lừa đảo ngậm ngùi cho biết, sau khi thấy có visa, chuyển tiền và nhận lịch ngày bay, hai người dặn dò vợ con ở nhà phải nương tựa giúp đỡ nhau, láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau để các anh yên tâm lao động gửi tiền về trả nợ ngân hàng. Tính ra mỗi người mất gần 200 triệu nhưng nay các anh chẳng biết đối tượng lừa đảo Nguyễn Hữu Sơn đang ở đâu.

Chị Phạm Thị Cúc, vợ của anh Trương Văn Tuất tiếp chuyện chúng tôi trong nước mắt. Ngày nhận được lịch bay, trên địa bàn xã Hải Ninh nhiều gia đình tổ chức liên hoan chia tay người thân qua Hàn Quốc làm việc. Gia đình chị Cúc cũng vậy. Tiền trong nhà không có, chị cũng chạy vay ít triệu đồng để làm mâm cơm, tổ chức bữa nhậu cho chồng đi làm ăn xa khỏi mủi lòng. Nhưng khi ra đến Hà Nội, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì mới biết mình bị lừa.

Cầm sổ đỏ gia đình 200 triệu ở ngân hàng để giao cho Nguyễn Hữu Sơn biết bao giờ vợ chồng chị Cúc mới trả được. Chị Cúc cho biết “Ra Hà Nội trước một ngày theo lịch hẹn bay của nó, vợ chồng tui điện thoại nhưng máy nó khóa, tìm đến nơi nó đã tổ chức cho học tiếng thì gặp toàn người lạ, hỏi Nguyễn Hữu Sơn thì người nói không biết, người nói Sơn bỏ trốn rồi…”.

Những ngư dân bị các cò lao động lừa đảo chiếm đoạt tiền đang kể lại vụ việc với phóng viên Báo CAND.

Cò lao động nham hiểm, còn người dân quá nhẹ dạ cả tin

Trong quá trình đi thực tế tìm hiểu tư liệu cho bài viết này, chúng tôi thực sự giật mình vì chỉ trong một thời gian ngắn song nhiều làng quê trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trở nên xao xác vì người dân bị cò lao động lừa. Nhiều người dân bỗng chốc bị chiếm đoạt tài sản khi cò dùng bánh vẽ lừa đảo bằng hình thức đưa người đi xuất khẩu lao động. Và nạn nhân bị lừa đa số thuộc lao động nghèo.

Nhiều trường hợp gia đình ly tán, vợ chồng ly dị, anh em, láng giềng không thèm nhìn mặt nhau…cũng do “sập bẫy” cò lao động. Mỗi đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động luôn ngụy trang cho mình những chiêu thức khác nhau, trong khi đó người dân lại nhẹ dạ, cả tin vì vậy các cò lao động luôn luôn đạt ý đồ lừa đảo. Ngô Thu Lý, trú huyện Tân Yên, Bắc Giang, mới bước qua tuổi 30 nhưng khả năng “chém gió đi lừa” của thị với những chiêu bài như thần thoại làm chúng tôi rùng mình.

Để dễ đưa người lao động sập bẫy, trước hết Lý làm giả giấy tờ và tự xưng mình là người của Thanh tra Chính phủ. Sau đó Ngô Thu Lý câu kết với một số đối tượng “đóng vai” là người có khả năng đưa bất kỳ ai đi xuất khẩu lao động đến các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Cannada… với mức lương rất cao.

Sau khi tạo vỏ bọc, Lý tạo chân rết bằng cách câu kết với các đối tượng Giáp Văn Trung trú tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và Chu Ngọc Lâm huyện Yên Thành, Nghệ An để lừa đảo. Dưới bàn tay đạo diễn của Ngô Thu Lý, Giáp Văn Trung và Chu Ngọc Lâm dần được đào tạo năng lực “chém gió” của mình chẳng khác nào “nữ quái” Ngô Thu Lý.

Để thuận tiện cho việc tạo dựng cơ sở và đánh lừa các cơ quan chức năng, sau khi bàn bạc với Chu Ngọc Lâm, Giáp Văn Trung đã mượn hội trường của xã Tiến Thành để tổ chức cái gọi là hội thảo nhằm tuyên truyền về cách thức, thủ tục đưa người đi lao động tại các nước Hàn Quốc và Canada nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Trước sự chứng kiến của hàng trăm người về để nghe “thuyết trình” xuất khẩu lao động, Giáp Văn Trung đã không ngần ngại khoe khoang thân phận của mình và nâng cao vị thế của “nữ quái” Ngô Thu Lý và “bộ sậu” trước những con mắt dễ tin của hàng trăm người dân lao động nghèo khổ. Sau khi đã cầm được số tiền đặt cọc hàng trăm ngàn USD của người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, Giáp Văn Trung và Ngô Thu Lý đã tìm cách lặng lẽ trốn khỏi địa bàn.

Khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi lại nhận được nhiều cuộc điện thoại của ngư dân miền Trung phản ánh việc tiếp tục gặp các đối tượng cò lao động đến rủ rê nộp tiền đi xuất khẩu lao động. Vậy làm sao tiền đền bù, hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp của ngư dân tránh khỏi rơi vào túi cò xuất khẩu lao động?

Người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên đi theo đường nào? Vai trò của cơ quan chức năng ra sao để bảo vệ người dân trước những mánh lới mà các đối tượng lừa đảo đang giăng ra… Chúng tôi tiếp tục phản ánh trong số báo sau.

(Còn nữa)

Dương Sông Lam

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/antt/bai-1-nhung-kich-ban-hoan-hao-430064/