Cảnh báo nguy cơ Libya sẽ rơi trở lại vòng xoáy bạo lực

Libya có nguy cơ quay trở lại tình trạng xung đột lan rộng do tình hình an ninh bất ổn tại thủ đô Tripoli và giao tranh tại khu vực giàu dầu mỏ miền Đông cùng nhiều nơi khác.

Các phương tiện bị hư hại sau cuộc giao tranh của một nhóm các tay súng tại Tripoli ngày 15/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Libya có nguy cơ quay trở lại tình trạng xung đột lan rộng do tình hình an ninh bất ổn tại thủ đô Tripoli và giao tranh tại khu vực giàu dầu mỏ miền Đông cùng nhiều nơi khác.

Trong bản báo cáo trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 14/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres đã báo động về tình trạng leo thang quân sự và bế tắc chính trị tại quốc gia Hồi giáo này.

Ông nêu rõ mặc dù tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không còn kiểm soát lãnh thổ của Libya, song tổ chức này vẫn đang ráo riết các hoạt động chống phá. Chính phủ Libya đã cáo buộc IS đứng sau một loạt vụ tấn công tại nhiều khu vực.

Tổng Thư ký Guterres cho rằng nguy cơ xung đột leo thang vẫn rình rập, chủ yếu do các vấn đề chính trị chưa được giải quyết và sự tồn tại của nhiều phe vũ trang với các lợi ích xung đột.

Ông nhấn mạnh các bên liên quan tại Libya cần nhanh chóng nhất trí về những sửa đổi trong thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc do Liên hợp quốc làm trung gian, qua đó mở ra hy vọng tháo gỡ thế bế tắc chính trị hiện nay và tiếp tục giai đoạn quá độ.

Theo Tổng Thư ký, năng lực điều hành đất nước cũng như cung cấp các dịch vụ và an ninh thiết yếu cho người dân của chính phủ và Hội đồng Tổng thống được Liên hợp quốc ủng hộ tại Libya vẫn còn hạn chế. Ông khẳng định thỏa thuận chính trị năm 2015 tiếp tục được đa số người dân và các bên liên quan ủng hộ vì đây là cơ chế chính trị duy nhất có thể dẫn dắt đất nước tiến lên.

Ông cũng cảnh báo việc về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Libya bởi toàn bộ các bên xung đột vũ trang do sự yếu kém của các cơ quan tư pháp và tình trạng vô luật pháp nói chung.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong giai đoạn từ tháng 1/12/2016-17/2/2017, tổng cộng có 24 người thiệt mạng và 24 người bị thương trong các cuộc đấu súng, không kích và các thiết bị nổ tự chế. Những người nhập cư và tị nạn tại Libya tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng hoặc thiệt mạng khi tìm vượt biên đi qua biển Địa Trung Hải.

Tổng Thư ký ước tính có 1,3 triệu người Libya cần hỗ trợ nhân đạo, trong khi hệ thống y tế nước này đang có nguy cơ sụp đổ. Hiện Liên hợp quốc mới nhận được 9 triệu USD trong tổng số 151 triệu USD kêu gọi để giúp đỡ 900.000 người.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn triền miên kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011. Hai chính quyền đối địch đã tồn tại song song ở Libya, một tại thành phố Tripoli và một tại thành phố cảng Đông Bắc Tobruk.

Tháng 12/2015, dưới sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, chính phủ đoàn kết dân tộc do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, nhằm thay thế cho các chính quyền nhỏ lẻ và đối địch, đã hình thành và bắt đầu hoạt động tại Tripoli từ ngày 30/3/2016.

Tuy nhiên, chính phủ đoàn kết đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước, trong bối cảnh Quốc hội tại Tobruk cho tới nay vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/canh-bao-nguy-co-libya-se-roi-tro-lai-vong-xoay-bao-luc/441409.vnp