Cảnh báo quá tải học hành, sa sút đạo đức

Nhà trường cần thường xuyên tổ chức nhiều buổi đối thoại để lắng nghe tiếng nói học sinh. Có sức như Lý Đức mới học nổi!

Sáng 25-3, hơn 100 học sinh đến từ các trường THPT tại TP.HCM đã tham gia buổi tọa đàm với lãnh đạo Sở GD&ĐT. Vấn đề các em quan tâm nhất hiện nay là bạo lực học đường, thầy cô ít quan tâm đến học sinh, ý thức pháp luật, giữ gìn vệ sinh môi trường và chương trình học nhiều bất cập, quá tải. Trước thông tin tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, học sinh nhẫn tâm đánh bạn bè cùng lớp, cùng trường không thương tiếc, em Đặng Thị Thùy Trang, Trường THPT Thanh Đa, nhìn nhận: “Nạn bạo lực học đường liên quan đến đời sống gia đình, môi trường giáo dục, các bạn ấy không được quan tâm. Bạo lực thường xảy ra đối với các bạn học yếu. Nếu áp dụng biện pháp đuổi học thì vô tình đẩy các bạn ấy vào đường cùng, dễ nổi loạn”. Em Nguyễn Tuấn Anh, Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10, cho rằng cách cư xử của giáo viên chưa tâm lý lắm cũng là nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, những bạn học yếu kém thường bị la mắng khiến họ mặc cảm, dễ gây ra bạo lực học đường. “Em nghĩ thầy cô cũng cần xem lại cách ứng xử của mình và phải tâm lý hơn trong giao tiếp với các bạn này” - Tuấn Anh đề nghị. Học sinh THPT tham gia tọa đàm vào sáng 25-3. Cô Phạm Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường Tư thục Ngô Thời Nhiệm, đúc kết: “Ngày nay giáo viên cũng phải có kiến thức về tâm lý học lứa tuổi, tùy lứa tuổi mà thầy cô phải hiểu biết diễn biến tâm sinh lý để giao tiếp đạt hiệu quả. Lứa tuổi học sinh THPT dễ bị tác động nhiều về tâm lý, xã hội, về nhiều mặt nên gia đình, nhà trường cùng phối hợp để lắng nghe cảm xúc của các em, bàn cách cùng các em giải quyết vấn đề. Nhiều học trò ngoan, học giỏi, đùng một cái lấy dao đâm bạn khiến cha mẹ, thầy cô, bạn bè vô cùng ngạc nhiên, đó là lỗ hổng trong giao tiếp giữa học trò, thầy cô và gia đình”. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: “Những thuận lợi, khó khăn và băn khoăn của học sinh hiện nay về học tập, sinh hoạt, các mối quan hệ trong nhà trường mà các em nêu ra hoàn toàn xác đáng. Ngành giáo dục TP sẽ có hướng xử lý thông tin của các em qua kênh đoàn, hội tại cơ sở. Các trường cũng nên thường xuyên mở diễn đàn, tọa đàm để lắng nghe tiếng nói học sinh đang học tập tại trường để có hướng xử lý phù hợp”. Có sức như Lý Đức mới học nổi! Em Mai Thị Ngọc Hà, Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn), bày tỏ: “Chương trình tiếng Anh học bảy năm trời mà học sinh không giao tiếp được với người nước ngoài trong khi bài kiểm tra thì luôn được điểm 9, 10. Chưa kể nhiều môn học trớt hướt như bắt con gái học công nghệ máy biến áp, con trai học nấu nướng, may vá... Nhiều môn tự nhiên, xã hội khác phải vắt giò lên cổ... học. Tụi em phải khỏe cỡ như... lực sĩ Lý Đức mới theo nổi”. Còn em Nguyễn Xuân Thọ, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (quận Thủ Đức), cũng nhận xét: “Kiến thức quá nhiều mà chúng em học cũng không biết vì sao phải học và học để làm gì. Nhiều bạn lo học ngày học đêm, khủng hoảng tâm lý, nói lảm nhảm công thức toán học, hóa học ngay cả trong giờ ăn cơm”. QUỐC VIỆT

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100326122054423p0c1019/canh-bao-qua-tai-hoc-hanh-sa-sut-dao-duc.htm