Cảnh báo tình trạng lao động bất hợp pháp ở nước ngoài

Do nhẹ dạ, lại thiếu hiểu biết thông tin nên không ít người dân ở nhiều miền quê nghèo trên cả nước đã tin theo lời hứa hẹn của các đối tượng môi giới, sang nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) lao động bất hợp pháp. Không những bản thân vi phạm hành vi xuất nhập cảnh trái phép, họ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị chủ sử dụng bóc lột sức lao động tàn tệ, bị quỵt tiền lương, nhiều trong số đó đã bỏ mạng nơi đất khách quê người… Tình trạng ra nước ngoài lao động bất hợp pháp còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội như ảnh hưởng đến tình hình lao động sản xuất ở địa phương.

Men theo con đường nhựa quanh co, chúng tôi tìm về huyện miền núi Yên Lập (Phú Thọ) vào những ngày cuối thu. Khắp làng trên, xóm dưới, nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ và những người không còn khả năng lao động.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 1.054 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, độ tuổi chủ yếu từ 20 đến 30 tuổi, trong đó riêng huyện Yên Lập có 706 trường hợp. Tất cả những người này đều đi lao động theo con đường bất hợp pháp, qua sự dẫn dắt của các đối tượng môi giới vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

Bài 1: Rủi ro nơi đất khách, quê người

Hơn một năm đã trôi qua kể từ ngày định mệnh ấy nhưng ký ức kinh hoàng vẫn hiện về mồn một trong tâm trí anh Nguyễn Văn Hồi, một trong những công dân đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hồi bộc bạch: Vợ chồng tôi còn may mắn hơn những người khác… không ít người giờ đã phải bỏ mạng nơi xứ người.

Dạo đó, nghe theo lời rủ rê của chúng bạn, anh Hồi bàn với vợ sang Trung Quốc làm ăn, kiếm chút vốn giắt lưng phòng khi tuổi già sức yếu. Ban đầu vợ anh còn e dè vì cả hai vợ chồng cùng đi, con cái rồi ruộng vườn biết để cho ai trông nom, chăm sóc.

Song những lời dỗ ngon dỗ ngọt của các đối tượng môi giới khiến vợ chồng họ đồng ý. Vậy là, gửi lại con cái cùng toàn bộ tài sản gồm ruộng vườn, nhà cửa, hoa màu cho một người quen, vợ chồng anh khăn gói lên đường với bao hy vọng về một công việc tốt đẹp hơn nơi xứ người.

Theo lời kể của anh Hồi thì ban đầu, vợ chồng anh làm thuê cho một công ty chế biến hải sản ở huyện Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Họ làm việc ở đây chưa đầy nửa tháng thì bất ngờ Cảnh sát Trung Quốc ập vào kiểm tra. Do không có giấy tờ tùy thân nên họ bị tạm giữ về hành vi nhập cảnh trái phép, khoảng hơn 1 tháng thì được trả về nước.

Vợ chồng anh Hồi còn may mắn hơn nhiều trường hợp khác, bởi có người đã phải bỏ mạng nơi đất khách, quê người như trường hợp của chị Nguyễn Thị Mùi (trú tại huyện Yên Lập). Chị Mùi ra nước ngoài lao động bất hợp pháp trong một năm và đã gửi được về cho gia đình hơn 20 triệu đồng. Về phần gia đình chị Mùi, họ chỉ biết con gái sang Trung Quốc lao động, còn cụ thể làm gì, ở đâu thì không biết.

Cho đến một ngày, họ nhận được tin dữ, chị Mùi đã chết. Dòng thông báo gửi về chỉ vẻn vẹn có mấy chữ nên nguyên nhân chị Mùi tử vong là vì sao thì gia đình chẳng ai biết. Họ cũng chẳng nhận được chế độ gì cho người thân từ chủ sử dụng lao động.

Nhiều người may mắn trở về nước sau đó cũng mang "thương tích" suốt cuộc đời, một số thì trắng tay như trường hợp Lê Quảng Ninh (ở khu An Lạc 1, xã Xuân An, huyện Yên Lập). Bị chủ sử dụng lao động vắt kiệt sức, trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, môi trường độc hại, không đảm bảo đủ các điều kiện an toàn lao động.

Ninh từ người đàn ông khỏe mạnh, khi trở về nước "thân tàn ma dại"… Không chịu được sức ép lao động, Ninh bỏ trốn về nước, chấp nhận trắng tay. Hiện tại, vợ chồng Ninh không có nhà để về vì toàn bộ tài sản của gia đình đã bán đi để trang trải chi phí cho chuyến đi lao động chui.

Anh Nông Văn Hoan, một người xuất cảnh trái phép làm thuê ở Trung Quốc gặp tai nạn, đang được chăm sóc tại bệnh viện. (Ảnh do Công an Lạng Sơn cung cấp)

Tình trạng xuất khẩu lao động trái phép xảy ra ở các vùng, miền trong cả nước, tập trung vào địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa nơi người dân thiếu thông tin, cuộc sống khó khăn và đang có nhu cầu tìm việc làm trên cả nước như Thanh Hóa, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Tĩnh…

"Hằng ngày, chúng tôi phải làm việc từ 8h cho đến 20h đêm, nơi ăn uống và nơi ở không đảm bảo… Suốt cả ngày, chúng tôi phải ở trong các xưởng, không dám ra ngoài vì sợ bị bắt giữ, cuộc sống vô cùng khổ sở. Thật may, chỉ sau 15 ngày tôi đã tìm được về Việt Nam", anh Nguyễn Xuân Phi, trú tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cung cấp. Anh Phi giờ đã là công nhân của một khu công nghiệp nhưng mỗi khi nhớ lại câu chuyện đã xảy ra, anh vẫn bàng hoàng.

Theo lời anh Phi thì khoảng 13h30 ngày 22/4, anh và 5 người khác đi cùng với Trần Thị Hạnh (47 tuổi, trú tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) lên xe khách chạy tuyến Cẩm Nhượng - TP Vinh. Chuyến đi "bão táp" này có khoảng 24 người, Hạnh yêu cầu tất cả những người trên xe đều phải im lặng, không ai nói chuyện với ai.

\Trong trường hợp có ai hỏi đi đâu thì nói là đi chơi, đi làm việc, đi học hoặc có thể đưa ra bất cứ lý do nào chứ không phải là đi Trung Quốc. Trong số 24 người cùng đi trên chuyến xe này có 20 người có hộ chiếu, số còn lại không có giấy tờ tùy thân, Hạnh yêu cầu mỗi người nộp cho Hạnh 350 nghìn đồng cùng hồ sơ…

Hạnh cầm toàn bộ hộ chiếu của những người chuẩn bị đi, khi nào qua cửa khẩu Móng Cái mới phát cho từng người để họ tự qua cửa khẩu.

Một ngày sau đó, anh Phi cùng những người khác ra đến chợ Quảng Ninh. Đến gần trưa thì những người có hộ chiếu và giấy tờ hợp lệ được Hạnh đưa qua cửa khẩu Móng Cái sang Trung Quốc và Hạnh cùng đi sang đến nơi tập kết tại Quảng Đông (Trung Quốc). Số còn lại không có giấy tờ sẽ được một người đàn ông Quảng Đông đưa ra bờ sông Ka Long, chở sang Trung Quốc.

Sau khi qua được hàng rào thì có 2 người Trung Quốc đi xe ôm, dùng xe máy chở đến một lán của người dân, trong chiếc lán đó có cả người Trung Quốc và người Việt Nam. Tất cả mọi người, trong đó có Phi đều phải im lặng, không được nói tiếng Việt và không được đeo khẩu trang... Sau đó khoảng 30 phút có 2 xe ôtô Trung Quốc chở đi qua các trạm kiểm tra của Công an Trung Quốc… đến một điểm tập kết khác.

Phi cùng một người phụ nữ tên Duyên được giao làm nghề thổi chai, còn lại những người khác đi đâu, làm gì thì Phi không biết. Phi chỉ nghe thấy bảo rằng họ đi làm gỗ, làm hoa còn cụ thể ở đâu thì không biết. Hằng ngày, Phi làm việc nặng nhọc, bị chủ sử dụng lao động quản lý rất gắt gao…

Lời tâm sự của một trong các lao động bất hợp pháp từ Trung Quốc trở về đã vẽ ra bức tranh về cảnh ngộ của những người lao động chui. Trên thực tế thì tình cảnh của những lao động "chui" từ Trung Quốc vô cùng đáng thương… Tất cả những gì các đối tượng đã quảng cáo như lao động nhàn hạ, có mức lượng cao… là hoàn toàn không có thật. Thực tế thì họ đều phải làm việc trong các công ty của Trung Quốc, trong điều kiện độc hại và vất vả. Bên cạnh đó, những người này luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, bất an vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị trục xuất về nước.

Trong khi đó, chủ sử dụng lao động lại có hàng ngàn mánh khóe để không trả lương cho công nhân hoặc tìm cách xù nợ, như báo Công an bắt người lao động chui để trục xuất về nước, trong trường hợp này họ sẽ không phải trả tiền công.

Một số trường hợp thì bị bóc lột cũng đành phải cam chịu vì không biết tiếng cũng chẳng có một đồng tiền nào trong người, nếu ra ngoài thì cũng chẳng biết đi đâu. Nhiều người vì thế buộc phải ở lại cho đến khi sức tàn, lực kiệt mới được trả về nước. Với các chị em, mối nguy hiểm còn có thể cao hơn nhiều vì họ có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2013/10/213050.cand