Cảnh báo viêm não Nhật Bản khi vào hè

Mùa hè là thời gian cao điểm bệnh viêm não Nhật Bản tấn công trẻ do vậy các chuyên gia y tế cảnh báo các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu như sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, chậm chạp, không hạ sốt khi dùng thuốc...

Bệnh nhi viêm não đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: DN

Bác sỹ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 4- 5 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản.

Cũng theo bác sỹ Hải, viêm não Nhật Bản (chủ yếu viêm trong nhu mô não) thường gia tăng vào mùa hè, nhất là khi thời tiết thuận lợi cho loại muỗi lây truyền viêm não Nhật Bản phát triển hơn do vậy các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý những triệu chứng sốt khác thường của con mình.

Viêm não Nhật Bản là nhóm bệnh nặng trong các bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương. Tỷ lệ tử vong cao do viêm não Nhật Bản khoảng 7- 8%. Bệnh này sẽ gây biến chứng nặng nề, đặc biệt cho các trẻ lớn.

Triệu chứng phổ biến của viêm não Nhật Bản là sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp. Khi trẻ có nhiễm trùng thần kinh trung ương sẽ mệt mỏi và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Tuy nhiên theo bác sỹ Hải, điều nguy hiểm của bệnh là triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản rất mờ, giống những viêm nhiễm khác, khó phát hiện. Nhưng đến ngày thứ 2, 3 của biểu hiện sốt, triệu chứng rõ dần. Tuy nhiên, có nhiều gia đình thấy con cái mình nôn nhiều thì dùng thuốc chống nôn, sẽ làm mờ đi triệu chứng của viêm não Nhật Bản, làm bác sỹ khó chẩn đoán.

"Do vậy các bậc phụ huynh nếu thấy con sốt cao không hạ được nhiệt độ phải nhập viện theo dõi để có cách xử trí kịp thời nếu con bị viêm não", bác sỹ Hải khuyến cáo.

Bác sỹ Hải khẳng định thêm, viêm não Nhật Bản hay sốt xuất huyết có trung gian truyền bệnh là muỗi. Cách phòng chống các loại bệnh có véc tơ truyền bệnh là phải cắt véc tơ truyền bệnh bằng dọn dẹp môi trường sống chung quanh sạch sẽ, không có ổ nước, không có vật chứa nước lâu ngày.

Về phía Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tháng trở lên là biện pháp hiệu quả để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Lịch tiêm chủng như sau mũi 1 vào ngày tự chọn; mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tuần; mũi thứ 3 cách mũi 2 tối thiểu 12 tháng; sau đó tiêm nhắc mỗi 3 năm một lần cho đến khi trẻ 15 tuổi. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn chưa có miễn dịch khi đi đến vùng bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành cũng cần tiêm vắc xin phòng bệnh.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mua-he-viem-nao-nhat-ban-de-doa-tinh-mang-tre.aspx