Cánh chim không mỏi

Niềm hạnh phúc được nhân lên gấp bội với NSND Chu Thúy Quỳnh tại lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2016 khi thấy tên mình được xướng cùng thi sĩ Xuân Quỳnh - người bạn thuở thiếu thời bước chân vào làng múa - trong danh sách được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. 64 năm như 'cánh chim không mỏi' với ngành múa, NSND Chu Thúy Quỳnh cho rằng đó là định mệnh, là trách nhiệm thay những người đi trước cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.'Ngôi sao múa phương Đông'

Giây phút đứng trên sân khấu, nhận giải thưởng cao quý do Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng, NSND Chu Thúy Quỳnh kể rằng mình đã vô cùng xúc động với bao kỷ niệm ùa về. Cả chặng đường dài không hiếm giây phút vinh quang của một nghệ sĩ lớn, bề ngoài là những thành tích và danh hiệu nhưng đằng sau đó là bao nỗi niềm, là sự hy sinh thầm lặng mà không phải ai cũng biết.

NSND Chu Thúy Quỳnh.

NSND Chu Thúy Quỳnh.

Thuộc dòng dõi nhà hiền nho Chu Văn An, sống trong nếp nhà gia giáo, từ nhỏ, Chu Thúy Quỳnh đã ý thức được sứ mệnh của cuộc đời - đem tài sức cống hiến cho đất nước. Không theo đường chữ nghĩa, 14 tuổi, thi tuyển vào Đoàn văn công Nhân dân trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), trở thành diễn viên múa - Cô bé nhỏ nhắn ngày ấy không dễ lọt vào “mắt xanh” của nhóm tuyển chọn gồm những nghệ sĩ tên tuổi như Hoàng Châu, Phùng Thị Nhạn, Trọng Bằng, Mạnh Hùng, Tuệ Minh, Trần Chinh. Chỉ đến khi cô bé thể hiện năng khiếu diễn xuất nổi trội và giàu tính biến hóa trên sàn diễn thì tất cả mới gật đầu. Đó cũng là cuộc thi tuyển định mệnh khi Chu Thúy Quỳnh gặp hai người đặc biệt nhất trong cuộc đời mình là NSƯT Mạnh Hùng - người bạn đời, và cô bạn cùng tên - nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, người cũng mơ thành diễn viên múa.

Xuân Quỳnh hơn Chu Thúy Quỳnh một tuổi, hai người nhanh chóng kết thân, ăn cùng, ở cùng và tập luyện, góp ý cho nhau. Cả hai miệt mài luyện tập những điệu múa đầu tiên, sau này ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả như múa xúc tép, múa sạp, múa kiếm… dưới sự chỉ dẫn tận tình của nghệ sĩ Mạnh Hùng. Chặng đường bên nhau, trải nghiệm mỗi ngày ở phố Quán Sứ rồi Cầu Giấy dệt ước mơ cho hai cô gái mới lớn. Vui có, buồn có, hờn giận cũng có. "Xuân Quỳnh bộc lộ năng khiếu làm thơ ngay từ khi ấy. Có lần hờn giận, Xuân Quỳnh đọc mấy câu thơ mà tôi nhớ đến giờ: Thúy Quỳnh, cô bé ngây thơ suốt ngày cười/Có hai răng khểnh rất là tươi/Thúy Quỳnh khi vui ai cũng thích/Nhưng lúc bực mình lại càng xinh”, NSND Chu Thúy Quỳnh kể.

Sau này, Xuân Quỳnh chuyển sang mảng văn chương, Thúy Quỳnh "ở lại". Mỗi người đều có cống hiến quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật mà mình theo đuổi.

Người bạn đời NSƯT Mạnh Hùng đồng thời là bạn nghề có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của NSND Chu Thúy Quỳnh. Ở cùng đoàn, Mạnh Hùng dạy Chu Thúy Quỳnh những động tác múa đầu tiên. Tình yêu lớn lên cùng những điệu múa được đánh giá là xuất sắc như: “Đôi bờ”, “Theo cờ giải phóng”, “Múa cung”… Sau 8 năm gắn bó, họ làm đám cưới, lại bên nhau đi khắp các chiến trường để biểu diễn phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Những năm tháng gian khổ, mưa bom, bão đạn, triền miên trong rừng sâu nhưng với NSND Chu Thúy Quỳnh, đó là sự may mắn vì được cùng bạn đời chia ngọt, sẻ bùi.

Không ai có thể tưởng tượng rằng, “cặp đôi vàng” của nghệ thuật múa có thể sớm chia lìa nhau. Năm 1983, khi đang theo học múa ở Ấn Độ, NSND Chu Thúy Quỳnh nghe tin chồng lâm bệnh nặng. Ngỡ rằng chỉ trở về chăm sóc để chồng mau khỏe lại, nhưng sau một thời gian ngắn, NSƯT Mạnh Hùng đã ra đi. Đau xót, mất mát nhường ấy với bất cứ người vợ nào cũng không tránh khỏi suy sụp. Nhưng câu nói cuối cùng của người bạn đời - “Quỳnh phải sang Ấn Độ học tiếp, để thực hiện sứ mệnh của em” - khiến bà nén mọi đau khổ để tiếp tục lên đường, trở thành “ngôi sao múa phương Đông” trong mắt bạn bè quốc tế.

Người nghệ sĩ đa tài

Có lẽ hiếm nghệ sĩ nào có được thành công sớm và bền bỉ với nghề như NSND Chu Thúy Quỳnh. Đó là điều đặc biệt bởi ai cũng biết múa là nghề phải khổ luyện, theo đuổi nghề là chấp nhận tuổi nghề ngắn ngủi. Đó là chưa kể NSND Chu Thúy Quỳnh bị cận rất nặng, sinh hoạt bình thường còn bị ảnh hưởng, huống hồ một nghệ sĩ múa cần sự nhanh nhẹn, chuẩn xác. Nhưng, NSND Chu Thúy Quỳnh đã tạo nên một hình mẫu khác biệt. Ở tuổi 40, bà tiếp tục đi học múa, gần tuổi 50 vẫn thướt tha dưới ánh đèn sân khấu. Bà giải thích: “Mình phải sống trong đó và thăng hoa với từng động tác mới phát triển được nét riêng. Cũng giống như việc học tinh hoa của nước bạn để biết cách khai thác vốn nghệ thuật của đất nước mình”.

Cụm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của NSND Chu Thúy Quỳnh gồm “Mùa xuân trên bản H’Mông”, “Hoa đất nước”, “Hầu văn Xá Thượng” - ba trong số hàng chục tác phẩm mà bà sáng tác dựa trên chất liệu dân gian, thổi vào đó hơi thở hiện đại, như “Hoa Tràng An”, “Vũ khúc đàn T’rưng”, “Hương xuân”, “Hương quê” “Cánh chim không mỏi”, “Những cô gái Việt Nam”…

Không dừng lại ở công việc sáng tác, biên đạo, khi là người đứng đầu Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam rồi Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, NSND Chu Thúy Quỳnh vẫn là tổng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn như kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII của Đảng; lễ khai mạc Tiger Cup 1998; chương trình nghệ thuật kỷ niệm 990 Thăng Long - Hà Nội; lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 22...

Nhiều năm trở lại đây, NSND Chu Thúy Quỳnh dành thời gian cho việc phát hiện tài năng biên đạo và nghệ sĩ múa, là Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP Hà Nội… Như bà nói là “để tìm kiếm cơ hội giao lưu cho nghệ thuật múa Việt Nam”.

Ở tuổi 76, NSND Chu Thúy Quỳnh vẫn giữ nụ cười tươi tắn, duy trì sức khỏe dẻo dai bằng những bài tập do mình sáng tạo. Ngày ngày, bà đều đặn đến văn phòng Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, dành thời gian chỉ bảo thế hệ đi sau... Bà hãnh diện với người con trai nay đã là Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, với người con dâu theo nghề múa và hiện là giảng viên tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; vui với hai cháu nội thông minh, học giỏi.

Với bà, sau những niềm vui ấy, nỗi hụt hẫng, mất mát khi người bạn đời Mạnh Hùng và cô bạn thân Xuân Quỳnh ra đi quá sớm vẫn nằm sâu trong lòng. Và "cánh chim không mỏi" vẫn tâm niệm về trách nhiệm cống hiến cho nghệ thuật thay cho những người thân yêu.

Yên Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/870136/canh-chim-khong-moi