Cánh cửa mở ra thế giới

Giadinh.net - Giấc mơ về một chiếc tivi hay máy tính kết nối Internet để tiếp cận thế giới bên ngoài dường như là quá xa xỉ với những người nông dân châu Phi.

Tuy nhiên, giờ đây họ đã có thể chạm tới giấc mơ đó bằng một loại "vũ khí công nghệ" mới, đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều – những chiếc điện thoại di động. Sạc pin điện thoại bằng... ắc quy của ô tô Suốt 50 năm gắn bó với những cánh đồng đầy nắng của vùng Bushenyi, thuộc Uganda, ông Laban Rutagumirwa có lẽ không bao giờ nghĩ rằng một trong những vật dụng quan trọng nhất đối với cuộc đời làm nông nghiệp của ông lại là một chiếc điện thoại di động nhỏ gọn. Gọi đó là giấc mơ cũng đúng, bởi ngôi nhà ông đang ở được làm bằng đất, ở sâu trong những ngọn đồi toàn chuối phía tây Uganda, nơi vẫn chưa có mạng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, khó khăn về điện không thể ngăn cản ông Rutagumirwa khai thác những lợi ích từ điện thoại di động bởi mỗi khi hết pin, ông lại đi bộ khoảng 4 dặm đường đồi để sạc pin bằng... ắc quy của ô tô. “Điện thoại di động thực sự đã kết nối những người nông dân lại với nhau, giúp tôi cập nhật tình hình bệnh dịch cây cối của những trang trại láng giềng trong vùng”, ông Rutagumirwa nói. Thông qua điện thoại di động, những người nông dân thông báo cho Rutagumirwa biết về bệnh dịch, và ông có thể khoanh vùng mắc bệnh bằng các thiết bị định vị qua sóng di động hoặc cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất cho những người nông dân vùng sâu, vùng xa. “Tôi thường sử dụng điện thoại của mình để chụp ảnh những cây mắc bệnh, thu thập thông tin số liệu về cây giống, quá trình chăm sóc... và gửi dữ liệu thẳng đến các nhà khoa học tại Thủ đô Kampala. Ở đó họ sẽ phân tích và gửi lại cho chúng tôi những thông tin cần thiết” – ông Rutagumirwa giới thiệu về cách ứng dụng điện thoại di động trong sản xuất – “Trước đây chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc trao đổi thông tin kiểu này. Tất cả như một điều kỳ diệu, nhờ đó tầm nhìn của chúng tôi mở rộng hơn rất nhiều”. David Bangirana sử dụng một chiếc điện thoại có khả năng định vị toàn cầu để xác định cây chuối bị bệnh. Bước ra thế giới Châu Phi giờ đây đang trở thành thị trường di động phát triển nhanh nhất thế giới. Không chỉ các nhà cung cấp dịch vụ mang tính kinh doanh, mà ngay cả nhiều tổ chức xã hội phi lợi nhuận cũng đang tập trung xây dựng những ứng dụng có ích trên nền tảng sóng di động, tạo điều kiện cho hàng triệu người dân châu Phi có thể chuyển tiền, cập nhật thông tin bóng đá, hay mua bán hàng hóa. Theo ông Jon Gossier, Chủ tịch tập đoàn công nghệ Appfrica có trụ sở ở Uganda, điện thoại di động là phương tiện liên lạc được ưu tiên hàng đầu, bởi những người như ông Rutagumirwa sẽ khó có thể tiếp cận với Internet vì chi phí đắt đỏ và tốc độ chậm, cho dù một vài kế hoạch kết nối Internet băng thông rộng ở Đông Phi đã hoàn tất. “Tôi cho rằng điện thoại di động sẽ tiếp tục khẳng định vị trí vì đó là lựa chọn tốt nhất cho những người nông dân nghèo ở vùng sâu vùng xa. Sẽ còn có thêm nhiều hơn nữa những ứng dụng trên điện thoại di động để phục vụ mục đích nông nghiệp”, ông Gossier nhận định. Grameen Foundation là tổ chức phi chính phủ đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ mới để xóa đói giảm nghèo ở châu Phi. Kết hợp với mạng di động MTN lớn nhất ở Uganda, tổ chức này đã thành lập một phòng thí nghiệm mang tên AppLab để tạo ra những ứng dụng trên mạng di động phù hợp nhất cho người dân nghèo tại Uganda và châu Phi. “Mọi người đã có di động trong tay, khát khao được mở rộng tầm nhìn và thu thập thông tin. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp khát khao đó thành hiện thực, đặc biệt ở khu vực nông thôn”, Giám đốc chương trình Eric Cantor của Grameen nói. Thành công bước đầu có thể thấy qua việc những cánh đồng chuối ở Uganda hiện nay vẫn chưa bị nhiễm loại bệnh mới đang bùng phát ở một số quốc gia láng giềng như Rwanda và Congo, bởi nông dân ở Uganda đã được cảnh báo đề phòng. “Ngay cả khi bệnh xuất hiện, khả năng kiểm soát sẽ cao hơn nhiều bởi chúng tôi luôn duy trì một kênh thông tin chặt chẽ với người nông dân”, chuyên gia vi sinh học Idd Ramathanni thuộc Học viện Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế Uganda cho biết. Ông David Bangirana (60 tuổi), người được tổ chức Grameen trực tiếp đào tạo sử dụng ứng dụng di động trong sản xuất, giờ đây là hiện thân của cổng thông tin khổng lồ mà người dân trong vùng có thể tìm đến mỗi khi gặp vấn đề khó khăn. “Điện thoại di động chẳng khác nào chiếc cầu nối giữa thế giới khoa học tiên tiến và người nông dân nơi đây”, ông Bangirana vui vẻ nói khi mặc trên mình chiếc áo phông màu vàng với dòng chữ “Ask Me” (Hãy hỏi tôi) và chiếc điện thoại kết nối Google SMS (Dịch vụ tin nhắn tra cứu thông tin của hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới Google). Hà My (Tổng hợp)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20091021090047585p0c1006/canh-cua-mo-ra-the-gioi.htm