Cành đào trụi hoa và những sáng mùng 1 Tết ngập tràn nước mắt

Tết này, ngắm hoa đào mà lòng tôi lại thấy rưng rưng. Giá như tôi hiểu sớm hơn rằng đằng sau sự thành công của tôi hôm nay là bao mồ hôi, nước mắt, là sự chắt chiu cả đời của người cha già.

Vậy là năm mới đã chính thức sang. Như thường lệ, sáng đầu năm cả nhà tôi bao giờ cũng quây quần bên bàn trà, vừa chuyện trò vừa ngắm hoa đào. Và không hiểu sao, giờ đây cứ mỗi khi nhìn những cây đào thế lớn, những cành đào bạc triệu trong ngày đầu năm tôi lại rưng rưng nước mắt.

Trong cuộc sống hiện đại với những guồng quay vội vã này, có lẽ không khi nào khiến tôi hoài niệm về tuổi thơ ấm êm bên người cha mà cả cuộc đời này tôi luôn xem là một thần tượng vĩ đại, như những lúc ngắm hoa đào trong ngày đầu năm.

Bố tôi quả thực là người yêu con hiếm thấy. Có thể nói kể từ khi tôi bắt đầu có nhận thức, tôi thấy mục tiêu duy nhất của bố là nuôi dạy các con thành người.

Giá như tôi hiểu sớm hơn rằng đằng sau sự thành công của tôi hôm nay là bao mồ hôi, nước mắt, là sự chắt chiu cả một đời của người cha già kính yêu?! Ảnh minh họa.

Bố tôi không giàu, thậm chí tuổi thơ ông còn phải chịu vô cùng nhiều khổ cực, nhà nghèo không có tiền đi học, nên để được đến trường, hàng sáng trước khi tới lớp, ông phải đi gánh củi thuê lấy tiền đong gạo. Với quyết tâm cao độ nên ông cũng tự thân vận động để học được hết cấp ba, rồi trung cấp.

Ra trường, đi dạy học, khi có chút tiền lương thì cũng là lúc ông gặp mẹ tôi và xây dựng gia đình. Tuy nhiên, mẹ tôi yếu, lương bố không cao trong khi ba anh em tôi cứ lần lượt ra đời và tiêu tốn những khoản không nhỏ. Vì thế nên gia đình tôi luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Có những thời điểm khó khăn, mẹ tôi còn bàn bố cho các con nghỉ học nhưng bố tôi trước sau một mực khẳng định bố còn sức là còn phải cho con học thành người. Bố quyết không để đứa nào phải lao động chân tay.

Để có tiền cho chúng tôi ăn học, bố phải làm đủ thứ nghề. Ban ngày bố đường hoàng là một thầy giáo dạy Toán giỏi. Còn chiều và tối về bố đích thực là một nông dân chính hiệu, bố lăn lộn trên ruộng, trên nương làm việc quần quật mà nông dân cũng phải nể phục.

Cuộc sống vất vả là vậy nhưng bố luôn nuôi dạy chúng tôi theo tiêu chuẩn của một... quý tộc. Bố cho tôi đi học nhạc, cho tham gia lớp phát thanh viên từ thuở lên 7. Dù học phí một buổi tiếng Anh của anh em tôi ngày đó bằng cả ngày công lao động của bố nhưng bố vẫn không cho phép chúng tôi được nghỉ ngày nào.

Bố luôn vận động chúng tôi thi vào trường chuyên của tỉnh dù nếu học ở đó nghĩa là chúng tôi sẽ không có thời gian lao động giúp bố, và bố cũng sẽ phải đóng tiền ăn bán trú. Với bố, chúng tôi cứ học giỏi là bố có động lực để làm được mọi điều.

Dù nhà tôi nghèo khó, thời điểm đó, đến cái ăn cái mặc cũng còn thiếu thốn vậy nhưng bố luôn hướng chúng tôi đến những điều tao nhã, dạy cho chúng tôi biết cảm thụ những cái đẹp trong cuộc sống. Công việc bận rộn, đến thời gian ngủ còn thiếu thốn vậy nhưng bố tôi luôn trồng một vườn hoa to trước cửa. Nhà thậm chí rau ăn có khi còm thiếu nhưng vườn hoa thì lúc nào cũng rực rỡ sắc màu, mùa nào hoa ấy. Bố luôn bảo đời người ta hơn nhau ở chỗ biết thưởng thức cái đẹp.

Và mỗi tết đến, không có tiền mua hoa đào nhưng bao giờ bố cũng phải cậy cục khắp nơi để xin được một cành đào hoặc cành mơ về bày tết. Và vào mỗi tối 30 tết khi mọi việc đã hoàn tất là mấy bố con lại ngồi trang trí cho cành đào. Năm nào chỉ xin được cành đào không có hoa thì bố lại ngồi tỉ mẩn cắt những bông hoa từ giấy đỏ để gắn lên giả làm hoa đào.

Tết năm tôi 12 tuổi, bố xin được một cành đào rất nhiều hoa và lộc. Bố vui lắm nên khi mang hoa về bố gọi cả mấy anh em ra xem. Tối hôm 30 tết, thấy cành đào hơi héo, tôi nảy ra ý nghĩ bê cành đào ra ngoài sân đón sương với hy vọng nó sẽ tươi trở lại. Vậy nhưng vì mải chơi nên khi đi ngủ tôi quên không bê vào nhà và hậu quả là đêm đó, con chó cún đang tuổi ngứa răng đã cắn sạch hoa và làm gẫy nhiều cành.

Sớm thức dậy, thấy cành đào tan tác, bố đã đòn cho tôi một trận vì tội tự ý bê đào ra sân. Hôm đó, sáng mùng 1, thấy bố đánh con, mẹ tôi đã rất tức vì cho rằng như vậy sẽ làm mất may cả năm của tôi. Và bố mẹ đã cãi nhau một trận lớn.

Bố tôi là người rất khắc kỷ, dù yêu con nhưng ông cực kỳ nghiêm khắc. Vì vậy nên ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới như chúng tôi, chưa cảm nhận hết được những ý nghĩa sâu xa, tôi chỉ biết sợ và ghét bố.

Vì chuyện bị bố đòn roi sáng mùng 1 năm đó mà tôi luôn lảng tránh bố và thậm chí ngấm ngầm làm mọi điều trái ý bố. Thấy tôi như vậy bố buồn lắm, nhìn mặt bố tôi biết bố bất lực với tôi nhưng với một đứa trẻ, điều đó không phải là thứ quá ư đáng quan tâm.

Thế rồi tôi cứ lớn lên và xa rời bố, tôi ra thành phố học đại học và lập nghiệp ngay tại thành phố. Tôi trở thành một họa sĩ giỏi, có nhiều tác phẩm được giải. Mỗi năm vì bận rộn nên tôi chỉ trở về nhà được 1,2 lần thăm bố. Những dịp tết về nhà không thấy bố cắm hoa đào nữa, tỉ tê câu chuyện lúc này bố mới bảo, bố chưa bao giờ thích hoa, lại càng không thích đào vì mỗi năm nó chỉ nở có một lần. Nhưng năm xưa bố luôn tỏ ra yêu hoa vì bố muốn chúng tôi có được tâm hồn trong sáng và hơn hết, bố muốn chúng tôi biết cảm nhận cái đẹp.

Nghe bố nói: Con trở thành họa sĩ vẽ hoa giỏi là vì vườn hoa năm xưa nhà mình đó con mà tôi chợt thấy nghẹn lòng. Cái điều giản đơn vậy mà sao lâu nay tôi không hề nghĩ đến. Bấy lâu nay tôi luôn chỉ nghĩ rằng những tác phẩm đẹp, những nét vẽ khác lạ là do tôi học hỏi, tôi tìm tòi từ thầy, từ bạn. Đúng là con cái có đi cả đời cũng không bao giờ đo hết tấm lòng cha mẹ.

Tết này, ngắm hoa đào mà lòng tôi lại thấy rưng rưng. Giá như tôi hiểu sớm hơn rằng đằng sau sự thành công của tôi hôm nay là bao mồ hôi, nước mắt, là sự chắt chiu cả một đời của người cha già kính yêu?!

Ngọc Vũ (Ba Đình, HN)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/canh-dao-trui-hoa-va-nhung-sang-mung-1-tet-ngap-tran-nuoc-mat-a227018.html