Cánh đồng lớn vẫn nhỏ

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau 3 năm thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, tình hình triển khai tại các địa phương chậm, không đáp ứng yêu cầu, số lượng các dự án, phương án cánh đồng lớn được phê duyệt còn quá khiêm tốn.

Cánh đồng lớn mới chỉ chiếm 3,9% tổng diện tích gieo trồng của cả nước

Đến năm 2016, cả nước mới có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai tổng số 2.262 điểm cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 580.000 ha.

Theo khảo sát của Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống. Cụ thể, tại ĐBSCL, mỗi hecta lúa tham gia trong cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20-25%, thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Ở miền Bắc, các mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế tổng thể trên 1 hecta lúa thấp hơn so với ĐBSCL, giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17-25% tùy theo từng địa phương.

Tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được DN liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Các DN có được vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng đảm bảo và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển. Tình trạng thương lái đấu trộng các loại giống lúa để bán cho DN làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu đã giảm đáng kể khi DN và nông dân cùng tham gia mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL.

Việc xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn cũng sẽ hình thành nên những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra nông sản với khối lượng và chất lượng đảm bảo, nhằm thu hút DN tham gia và tiêu thụ sản phẩm.

Tại các vùng cánh đồng lớn, một số DN có diện tích liên kết lớn như Tập đoàn Lộc Trời, Tổng Công ty Lương thực miền Nam đang hỗ trợ nông dân thành lập các HTX nông nghiệp làm tổ chức trung gian kết nối giữa DN và nông dân. Điển hình là Tập đoàn Lộc Trời đã hỗ trợ thành lập hàng trăm tổ, nhóm hợp tác. Sau khi thành lập, công ty đã cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ các HTX về kỹ thuật, quản lý giúp HTX chủ động trong việc sản xuất. Đây cũng là một trong những giải pháp để góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Dù đem lại hiệu quả sản xuất cao, song quy mô sản xuất của cánh đồng lớn so với tổng diện tích gieo trồng của cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,9%, tốc độ mở rộng diện tích liên kết cánh đồng lớn còn chậm. Tuy cả nước đã có khoảng nửa triệu ha canh tác theo mô hình cánh đồng lớn nhưng như ở ĐBSCL, nơi tập trung nhiều nhất diện tích cánh đồng lớn thì cũng mới chỉ đạt 11% tổng diện tích canh tác lúa của vùng.

Số hộ nông dân, HTX tham gia liên kết xây dựng cánh đồng lớn cũng chưa nhiều, chỉ có trên 600 ngàn hộ trong tổng số trên 9,3 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng trong cánh đồng lớn chưa cao, bình quân chỉ đạt 29%. Một số tỉnh chưa có diện tích cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu trước khi sản xuất như Quảng Trị, Quảng Ngãi và Cà Mau.

Ngoài ra, tình trạng phá vỡ hợp đồng vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là đối với cây lúa. Cụ thể, tỷ lệ thành công hợp đồng tiêu thụ nông sản mới chỉ ở mức 20-30%, cao nhất cũng chỉ đạt 70%. Tình trạng DN hoặc nông dân “bẻ kèo” vẫn còn phổ biến.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/canh-dong-lon-van-nho.aspx