'Cảnh giác' khi các ngân hàng lợi dụng xử lý nợ xấu để che đậy sai phạm

Trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Vấn đề xử lý nợ xấu được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Xử lý nợ xấu đang là vấn đề khó khăn mà hệ thống tổ chức tín dụng phải đối mặt thường xuyên trong hoạt động kinh doanh. Để xử lý nợ xấu phải gồm một loạt cơ chế chính sách đảm bảo tính xuyên suốt, yêu cầu cả bộ máy chính trị tham gia.

Hiện nay, dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu cũng xây dựng theo hướng không sử dụng ngân sách trong xử ký nợ xấu. Tuy nhiên, nếu không sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu thì phải tạo ra những cơ chế, những chính sách quy định để tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức tín dụng xử lý, giải quyết khoản nợ gắn với tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý để không bỏ lọt những sai sót của cá nhân hay tập thể gây ra nợ xấu.

Trao đổi với báo giới, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho biết, một trong những vấn đề cần quan tâm là quy trách nhiệm của người để xảy ra tình trạng nợ xấu. Hiện nay, pháp luật quy định đầy đủ tại Bộ Luật Hình sự về nội dung liên quan. Riêng về quy định về xử lý hình sự tội phạm ngân hàng được phản ánh đầy đủ trong bộ luật.

Chia sẻ trong một buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) tỏ ý hoài nghi về tính khả thi của quy định “bán theo giá thị trường” hay “thấp hơn giá ghi sổ” tại dự thảo. Bà nêu ví dụ, một mảnh đất có giá trị vài trăm triệu đồng nhưng khi thế chấp ngân hàng được đẩy giá lên hàng tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng. Bây giờ nếu quy định bán thấp hơn giá ghi sổ thì sẽ hợp thức hóa cho sai sót.

““Thị trường là thị trường nào? Ai mua, ai bán hay chỉ tổ chức này mua bán thôi? Ai đấu giá, có thao túng đấu giá hay không... Không để lọt tội chỗ này vì đây là niềm tin của người dân, Quốc hội. Nếu ra Nghị quyết xử lý một phần nợ xấu, nhưng lại làm méo mó chính sách trong xử lý nợ thì không ổn” - bà Tâm lo lắng.

Đồng tình phải giải quyết nợ xấu tồn tại khiến ách tắc dòng vốn, tín dụng, song đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) lưu ý, không loại trừ nợ xấu hình thành do sự tắc trách trong thẩm định tài sản cho vay, thẩm tra hồ sơ vay từ phía ngân hàng. "Nếu tổ chức tín dụng thấy có Nghị quyết, rồi cứ hí hửng với nhau là chết" - đại biểu Chinh nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhấn mạnh: “Khi xử lý nợ xấu phải dựa trên nguyên tắc công bằng, phải bảo vệ người cho vay và đi vay, tránh lợi dụng xử lý nợ xấu để hợp thức hóa khoản làm sai của ngân hàng”.

Theo nhiều đại biểu, hiện nay vẫn còn nợ xấu chưa xử lý được. Suốt giai đoạn qua, việc xử lý nợ xấu chủ yếu do ngân hàng thương mại xử lý, chủ yếu đôn đốc động viên khách hàng trả nợ và xử lý tài sản đảm bảo theo con đường thông thường là khởi kiện ra tòa. Để giải quyết nợ xấu, phải tăng hiệu quả của thị trường mua bán nợ xấu, trong đó, người mua nợ sẽ quan tâm đến khoản nợ gắn với tài sản đảm bảo, gắn với quyền sử dụng đất.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu TP.HCM cho rằng dự thảo này có những điểm không đầy đủ. Có những nợ xấu hợp pháp, do nguyên nhân khách quan nên khách hàng không trả được nợ. Nhưng có những khoản bất hợp pháp khi ngân hàng rót vốn cho sân sau để cá nhân trục lợi, thậm chí tiền chảy ra nước ngoài. Nhưng có loại nợ xấu phải áp dụng nhiều luật khác nhau, do vậy phải liệt kê các loại nợ xấu.

Đại biểu Nghĩa cũng nhấn mạnh đây là Nghị quyết thay thế văn bản pháp quy, mang tính chất cá biệt, nhất thời. Nghị quyết cũng chỉ để xử lý nợ xấu chứ không phải xử lý trách nhiệm gây ra nợ xấu. Tuy nhiên, song song với việc xử lý nợ xấu, cũng cần phải xử lý các cá nhân gây ra nợ xấu. Quốc hội cũng cần phải giám sát việc thực hiện của Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Bình - thành viên đoàn đại biểu Quảng Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, không nhà băng nào thích nợ xấu. Khi phát sinh nợ không xử lý được, ngân hàng phải dành lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro "cho tới khi hết nợ xấu thì thôi". Tuy vậy, trong một tổ chức cũng có người này, người khác. "Nghị quyết này không bao dung cho những ai làm ăn sai trái. Không có gì ưu ái. Tất cả ai làm sai đều sẽ bị xử lý đúng theo quy định pháp luật” - ông Bình quả quyết.

Theo nội dung của tờ trình Nghị quyết mới về xử lý nợ xấu thì tính đến 31/12/2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được là 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì tỷ lệ này là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay.

Trước thực trạng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao và công tác xử lý còn chậm, gặp nhiều trở ngại như trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã nhất trí về sự cần thiết phải sớm ban hành một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu. Theo quy định hiện hành, Quốc hội có thẩm quyền để ban hành một Nghị quyết có tính chất tương đương một văn bản luật để đưa ra các quy định khác với quy định trong Luật đã được Quốc hội thông qua trong các Luật khác, hoặc đưa ra những quy định mới mà Luật chưa quy định.

Theo Châu Huệ/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/canh-giac-khi-cac-ngan-hang-loi-dung-xu-ly-no-xau-de-che-day-sai-pham-181342/