Cảnh giác với giá dầu

(HNM) - Lực mua khá mạnh của giới đầu tư đã bất ngờ kéo giá dầu khỏi đà tuột dốc trong phiên giao dịch cuối cùng tuần qua. Sự đỏng đảnh của giá dầu với biểu hiện tăng mạnh rồi lại xuống nhanh trong ít ngày qua cho thấy thị trường dầu mỏ vẫn trong giai đoạn biến động và gắn chặt với "nhiệt độ" của nền kinh tế toàn cầu cũng như các yếu tố hỗ trợ từ đồng USD và nguồn cung.

Tăng thêm 1,49 USD, tương đương 1,9%, giá dầu giao tháng 4 đã chạm ngưỡng 79,66USD/thùng trên nhánh điện tử của sàn Niu Yoóc vào ngày 26-2. Nối tiếp đà tăng, giá dầu Bent giao tháng 4 tại thị trường Luânđôn cũng bật lên 1,30USD, tương đương với 1,7%, đạt mức 77,59USD/thùng. Một khu khai thác dầu mỏ của Mỹ. Sự hồi phục của giá dầu thô (từ mức giảm 2USD trong phiên giao dịch trước đó 24 giờ) được thúc đẩy nhờ những thông tin tốt từ nền kinh tế toàn cầu cùng dự báo Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) sẽ không nâng hạn ngạch đầu ra. Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục được duy trì ở mức yếu so với đồng ơrô khi các thông tin chính thống từ Oasinhtơn cho thấy, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp Mỹ trong tháng 2 dường như chậm chạp hơn. Như một cặp bài trùng, yếu tố này đã kích thích sự hấp dẫn của thị trường hàng hóa với giới đầu tư. Ngay phiên giao dịch trước đó, dầu thô đánh mất các mức tăng mới thiết lập do đồng USD bật lên mức đỉnh trong 9 tháng so với đồng ơrô nhờ dự báo cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp sẽ sớm được giải quyết. Diễn biến của thị trường dầu mỏ cho thấy giá "vàng đen" sẽ khó tăng đột biến trong thời gian tới khi trên thực tế nhu cầu nhiên liệu dường như đang chững lại và giá dầu mỏ sẽ chỉ "dập dìu" quanh mốc 80USD/thùng là khả năng được nhiều nhà phân tích tài chính quốc tế đồng tình. Khả năng này được củng cố, bởi trên thực tế sức tiêu thụ dầu mỏ chưa tăng mạnh do sự hồi phục của nền kinh tế thế giới chỉ mới ở mức cầm chừng, trong khi các kho dự trữ dầu của một số quốc gia ngày một đầy lên bởi lo ngại khủng hoảng nhiên liệu. Ngoài ra, một số nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường vẫn đang tồn tại như vấn đề nợ của Hy Lạp đang làm choáng voáng cả châu Âu. Song ở thời điểm này, thế giới đang chứng kiến một giai đoạn ổn định chưa từng có của dầu mỏ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua khi nó tỏ ra đáp ứng được lợi ích của cả OPEC và các nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc nếu dầu thô tiếp tục tuột dốc thì OPEC sẽ can thiệp kéo giá lên nhằm bảo đảm lợi nhuận. Ngược lại, nếu giá dầu leo thang thì giới đầu tư sẽ kiềm chế nhu cầu trên thị trường nhằm kiểm soát giá. Cho đến thời điểm này, nhiều dự báo cho rằng năm 2010, giá cả hàng hóa nói chung sẽ đứng ở mức rẻ và các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục có nhu cầu lớn hơn về dầu mỏ, trong khi đồng USD vẫn giữ giá trị thấp. Đây là lý do khiến giá dầu năm 2010 sẽ cao hơn chút ít so với thời kỳ suy thoái năm 2009. Trong tương quan với các yếu tố khác thì giá trị đồng USD cũng tác động mạnh đến thị trường dầu thô thế giới. Nếu như đồng USD mạnh lên, triển vọng tăng giá của dầu mỏ sẽ quay lại do giá dầu thô vẫn chủ yếu được giao dịch theo chỉ số của USD. Mặc dù vậy, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ben Bơnanki vẫn ủng hộ chính sách đồng USD yếu. Ông Bơnanki tuyên bố FED sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian nữa cho đến khi đà phục hồi kinh tế chạy đúng đường ray. Chính sách "đồng USD yếu" để kích thích bằng được tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ là yếu tố căn bản khiến giá dầu khó tăng đột biến. Thêm vào đó, thông tin mới nhất từ vùng Vịnh cho biết, các quốc gia OPEC đều muốn giá dầu năm 2010 ổn định hơn so với năm 2009 - năm chao đảo của giá dầu. Các chỉ số kinh tế thế giới tuần qua cũng cho thấy, nhiều khả năng giá dầu vẫn được duy trì ở mức thấp và chỉ có thể tăng nếu kinh tế Bắc Mỹ và châu Âu thật sự hồi phục. Goldman Sachs của Mỹ vừa dự đoán giá 90USD/thùng sẽ được thiết lập vào cuối năm 2010, cao hơn mức trung bình từ 70-80 USD như hiện nay. Đây là một thông tin trong bối cảnh giá dầu giảm rồi lại tăng không đáng kể khiến không ít nền kinh tế phụ thuộc vào giá dầu phải cảnh giác.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/the_gioi/310727/canh-giac-voi-gia-dau.htm/