Cảnh giác với những chiêu gây mê, cướp tài sản

PN - Tuy không phải là hình thức phạm tội mới nhưng chiêu gây mê cướp tài sản vẫn cứ hạ được nhiều nạn nhân. Gần đây, những vụ gây mê cướp tài sản dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng, đã khiến không ít người dân hoang mang.

Xin ở ghép để… đầu độc Do cần người ở ghép, chị Trần Thị Kim X. (SN 1979, đường Lý Thường Kiệt, P.9, Q.Tân Bình) đăng báo tìm. Hai ngày sau, một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, nói giọng miền Trung, xưng là Huỳnh Anh xin ở cùng. Thấy Huỳnh Anh ăn nói nhẹ nhàng, lại có vẻ thật thà, chị X. đồng ý, nhưng khi hỏi đến CMND thì Huỳnh Anh tìm cách lảng tránh. Để tăng thêm “tình chị em”, Huỳnh Anh đề nghị nấu cháo cá liên hoan mừng người mới, cả bốn người trong nhà vui vẻ thưởng thức. Ăn xong, Huỳnh Anh còn nói với chị X.: “Trước khi làm công nhân, em từng học massage, chị lên lầu để em đắp mặt nạ cho”. Theo chị X., sau khi được đắp mặt nạ bằng những lát khoai tây mát rượi, cộng với bàn tay massage êm ái của Huỳnh Anh, chị X. chìm dần vào giấc ngủ. Đến 3g sáng ngày hôm sau, tức là khoảng bảy giờ sau khi được ăn cháo, đắp mặt nạ; chị X. tỉnh giấc và phát hiện khối tài sản của chị gồm: xe gắn máy, ĐTDĐ, dây chuyền, nhẫn, vòng đeo tay bằng vàng cùng 2,5 triệu đồng đã không cánh mà bay theo "người bạn" mới. "Phù thủy gây mê" Phạm Thị Trung (bìa phải) cùng các đồng phạm Trước đó, chị Mai Thị T. (SN 1962, ngụ Lê Quang Định, P.14, Q.Bình Thạnh) cũng đã sập bẫy của người phụ nữ gầy ốm, nói giọng miền Trung, xin ở ghép. Món cháo cá của người mới quen đã khiến chị T. và người bạn cùng phòng mê man hơn năm giờ đồng hồ. Tỉnh dậy, kiểm tra lại tài sản, chị phát hiện mất: xe gắn máy, ba ĐTDĐ, dây chuyền vàng, một đôi bông tai vàng, 260 USD và một số giấy tờ tùy thân. Nhắm vào người lao động Không may mắn như chị X. và T., trong vụ đánh thuốc mê cướp tài sản vào đầu tháng 5/2010, hai trong số sáu nạn nhân đã tử vong sau khi bị “phù thủy gây mê” Phạm Thị Trung (tự Dung, SN 1971, trú xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) cùng đồng bọn đánh thuốc mê. Hai nạn nhân là H.V.N. (chạy xe ôm, ngụ Long An) và T.T.T. (bán vé số, quê Quảng Ngãi), tử vong với triệu chứng khi nhập viện là hôn mê, sùi bọt mép. Theo một cán bộ điều tra, hầu hết nạn nhân của những vụ đầu độc để cướp tài sản là những người lao động nghèo, ít hiểu biết, thiếu cảnh giác. Theo đại tá Mai Văn Tấn - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14, Công an TP.HCM), vụ việc hiện vẫn đang được điều tra, làm rõ. “Các vụ đầu độc này cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng không có gì mới, chỉ vì chủ quan, tin người nên các nạn nhân dính bẫy. Để đề phòng, người dân nên cảnh giác với những trường hợp người lạ bắt chuyện làm quen, sau đó mời ăn uống”. Đại tá Tấn khuyến cáo: “Các đối tượng gây mê thường có “vai diễn” khá hoàn hảo để đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin của chị em phụ nữ. Đối với những trường hợp xin ở ghép, thuê mướn chung nhà trọ ngoài việc tìm hiểu rõ ràng quê quán, nghề nghiệp của nhau, còn phải đăng ký tạm trú của người ở ghép tại công an phường. Có như thế, sau này cơ quan CSĐT mới có cơ sở xác minh đối tượng khi xảy ra sự việc”. Chí Kiên Đầu độc nạn nhân bằng thuốc gì? Trong vụ phù thủy gây mê Đào Thị Ngừng (ngụ P.2, Q.10, TP.HCM), kẻ đã gây ra hơn 10 vụ đầu độc, cướp tài sản bị bắt giữ cuối năm 2009, khi xét nghiệm chất gây mê, cơ quan điều tra phát hiện có chứa thành phần Bromazepan có tác dụng chống co giật, gây buồn ngủ. Trong hai vụ của chị X., T. thuốc ngủ chỉ có hàm lượng thấp, có thuốc gây hôn mê, không nguy hại đến tính mạng. Trong vụ Phạm Thị Trung, bước đầu đối tượng này khai nhận công thức chế thuốc để đầu độc nạn nhân là: nghiền nát, pha trộn giữa nhiều loại thuốc có thành phần Decolgen. Cơ quan điều tra đang làm rõ lời khai này. Đáng nói là tất cả các loại thuốc này rất dễ tìm mua ở các nhà thuốc hay các chợ sỉ chuyên bán hóa chất. Chí Kiên

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/canh-giac-voi-nhung-chieu-gay-me-cuop-tai-san.aspx