Cảnh giác với những kẻ giả danh để lừa đảo

Lợi dụng hoạt động từ thiện để chiếm dụng vốn; mạo danh, làm giả thông tin qua thư điện tử, mạng xã hội,... đó là những thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đòi hỏi không chỉ các cơ quan chức năng cần ứng phó kịp thời, mà mỗi người dân cũng cần thận trọng, cảnh giác.

Thời gian qua, người dân sống ở TP Hồ Chí Minh liên tiếp nhận được tin nhắn SMS từ Công an thành phố cảnh báo tình trạng các băng nhóm tội phạm sử dụng thủ đoạn mượn danh, mạo danh để lừa đảo, với các chiêu thức như: làm giả email rất giống email thật, thường chỉ khác một ký tự, để gửi thông tin đến doanh nghiệp, yêu cầu chuyển tiền sang tài khoản chuyển tiền liên quan đến các hợp đồng đã ký kết của doanh nghiệp mà chúng nắm được do thâm nhập trái phép vào tài khoản của họ, nhằm chiếm đoạt tiền; giả mạo là người nước ngoài, là kỹ sư, sĩ quan quân đội hay là bác sĩ để làm quen, yêu hoặc hứa hẹn kết hôn, chuyển quà tặng có giá trị, rồi yêu cầu người nhận gửi tiền qua tài khoản ngân hàng để đóng thuế, sau đó chiếm đoạt số tiền này; giả làm người của cơ quan công quyền gọi điện đến nhà để cáo buộc người trong gia đình liên quan đến một vụ án rửa tiền, nợ cước internet hoặc tiền điện, rồi yêu cầu phải chuyển tiền thế chân vào tài khoản cho “cơ quan pháp luật”, nhằm chiếm đoạt,... Không ít người nhẹ dạ đã mắc bẫy các đối tượng lừa đảo này, để đến khi “tiền mất tật mang” thì không biết kêu ai, vì sau khi “phi vụ” trót lọt, những kẻ giả mạo đã biến mất. Đáng lo ngại là tình trạng lừa đảo thông qua các giao dịch điện tử hoặc mạng xã hội không chỉ diễn ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, mà còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với những diễn biến phức tạp, khó lường.

Đầu quý I-2017, Bộ Công thương đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng giả mạo hoặc lạm dụng kinh doanh đa cấp để huy động vốn trái phép và lừa đảo có xu hướng lan rộng, từ bán hàng thông thường sang các lĩnh vực khác như: đầu tư dự án bất động sản, khai khoáng, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, các khóa học làm giàu… Thí dụ, việc tổ chức các chương trình đào tạo làm giàu của Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế (IDT) thực chất là hình thức trá hình đào tạo nhằm mục tiêu chính là giới thiệu các dự án bất động sản, trồng cây mắc ca,… từ đó kêu gọi học viên đầu tư, góp vốn, với lãi suất từ 30 đến 60%, thậm chí công ty này còn có chế độ thưởng kèm chiết khấu hoa hồng khi giới thiệu thêm người mới tham gia. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số sàn kinh doanh bất động sản cũng mượn danh tổ chức các khóa học, chia sẻ kỹ năng phân phối bất động sản, nhưng thực chất là định hướng học viên đầu tư vào những sản phẩm do đơn vị phân phối, với mức lợi nhuận và chiết khấu giá trị sản phẩm hứa hẹn cao bất thường khi giới thiệu được các nhà đầu tư khác. Cùng với đó là sự xuất hiện các mạng lưới “cho - nhận” (cộng đồng M), điển hình là trang web STS6 với lời quảng cáo khiến người tiếp xúc “choáng ngợp”, đại loại: Đến với STS6 - Hệ thống luân chuyển sự giàu có (Cộng đồng M6), mức rủi ro hầu như không đáng kể nhưng giúp người chơi có thêm một dòng thu nhập đều đặn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng bên cạnh nguồn thu nhập hiện tại. Mô hình tài chính này đang phát triển tại Việt Nam và trên thế giới, thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân,... lợi nhuận lên đến 540%/năm! Điều đáng nói là STS6 chỉ tồn tại dưới dạng website, không địa chỉ trụ sở và không được phép huy động vốn, cũng như không đưa ra bất kỳ bảo đảm nào theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn công khai mượn danh sân chơi tài chính, kích thích người chơi với các gói đầu tư từ 8 triệu đồng đến 64 triệu đồng, mà có thể thu lợi nhuận “khủng” cộng với tiền hoa hồng từ việc thu hút được người mới tham gia hệ thống,... Điều này khiến người tỉnh táo không khỏi đặt câu hỏi về một dạng kinh doanh đa cấp mới trong cách thức hoạt động của mạng lưới này.

Gần đây, dư luận hết sức phẫn nộ với hành vi lừa đảo có hệ thống của Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (Trung tâm), thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam. Thông qua chương trình “Trái tim Việt Nam”, Trung tâm này đã vận động người tham gia đóng tiền ủng hộ với danh nghĩa “giúp người nghèo” để được hưởng hỗ trợ lại với mức lợi nhuận cao, sau đó chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Theo cơ quan điều tra, chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi triển khai chương trình “Trái tim Việt Nam”, Trung tâm kêu gọi được khoảng 40.000 người ở hơn 20 tỉnh, thành phố tham gia, với tổng số tiền đóng góp rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngày 12-4, cơ quan điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, tạm giam bị can và lệnh khám xét đối với Trần Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm và Lê Thị Hằng, Tổng Giám đốc Trung tâm để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo Điều 139, Bộ luật Hình sự).

Cũng đầu tháng 4 vừa qua, cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt) có trụ sở tại Hà Nội, và các đơn vị liên quan khác. Dưới danh nghĩa “Liên kết Việt”, những kẻ chủ mưu lừa đảo đã tạo lòng tin đánh lừa người dân bằng cách giả danh công ty của Bộ Quốc phòng; tổ chức các đại hội hoa hồng, lễ đón nhận các danh hiệu, khen thưởng tại công sở được thuê; mời một số cán bộ cấp cao (chủ yếu đã về hưu) đến dự, và trao bằng khen (được làm giả) nhằm tạo lòng tin với người tham gia. Những chiêu thức giả danh đó, cùng với chính sách chi thưởng và hoa hồng cho người tham gia vượt tới 50% khung quy định đối với kinh doanh đa cấp, theo đó, từ tháng 3-2014 đến tháng 11-2015, Liên kết Việt đã mở rộng mạng lưới phát triển tới 34 chi nhánh, văn phòng, đại lý tại 27 tỉnh, thành phố, lôi kéo hơn 66.000 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền hơn 2.091 tỷ đồng. Trong số tiền lừa đảo được, cá nhân Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt Lê Xuân Giang hưởng lợi và phải chịu trách nhiệm hơn 871 tỷ đồng…

Trước những diễn biến phức tạp của loại hình kinh doanh mới này, cuối năm 2016, Bộ trưởng Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Tính đến giữa tháng 3-2017, cả nước đã có 11 doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị buộc chấm dứt hoạt động (so với 67 doanh nghiệp được cấp giấy phép trong năm 2016). Trong số 57 công ty bán hàng đa cấp được cấp phép, đến nay Hà Nội đã rút giấy phép của 21 công ty vì vi phạm quy định các tiêu chí cơ bản là có sản phẩm tốt, đào tạo nhà phân phối, tập trung bán hàng chứ không tập trung tuyển dụng và tạo nguồn thu chủ yếu từ tuyển dụng người chơi mới. Số người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội giảm khoảng một nửa so với năm 2015.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, tội phạm giả danh để lừa đảo diễn biến ngày càng phức tạp. Các đối tượng này luôn tận dụng mọi kẽ hở của pháp luật, sự lơ là, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý, sự mất cảnh giác, áp lực tìm việc làm, cả sự ngộ nhận và lòng tham của nhiều người để lừa đảo. Không thể không trách sự nhẹ dạ của nhiều người, vì muốn giàu nhanh mà thiếu tỉnh táo, "sập bẫy" lừa đảo, thậm chí tiếp tay cho hành vi lừa đảo, như hối thúc người thân tham gia, vay ở chỗ lãi suất thấp để đưa vào chỗ có lãi suất cao hơn. Quá nhiều bài học từ sự lừa đảo dưới chiêu bài “nhanh chóng giàu có”. Mỗi người cần tỉnh táo trước mọi chiêu thức dụ dỗ về khả năng thu lãi nhanh, dễ dàng, bất chấp quy luật kinh tế. Thực tế cho thấy, sự giàu có và phát triển bền vững chỉ tồn tại khi các lợi ích được bảo đảm hài hòa. Không thể có lợi nhuận “khủng” khi không gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh vật chất và tiến bộ khoa học - công nghệ. Lợi nhuận cao bất ngờ thường gắn với rủi ro cao, trong cơ chế thị trường càng không có gì được cho không để “ngồi mát ăn bát vàng”. Khi mỗi người tự cảnh tỉnh mình và thiện chí cảnh tỉnh người khác thì không còn chỗ cho tội phạm lừa đảo. Cùng với sự sáng suốt, chủ động của người dân, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Cần có sự phối hợp của các cơ quan báo chí trong thông tin tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo kịp thời thủ đoạn lừa đảo giúp mọi người chủ động đề phòng, ngăn chặn. Cảnh giác, chủ động nhận diện và kiên quyết ngăn chặn tình trạng giả danh lừa đảo là việc cấp thiết của các cấp, các ngành và mỗi cá nhân. Bởi chỉ như vậy mới có thể góp phần lành mạnh hóa đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32786102-canh-giac-voi-nhung-ke-gia-danh-de-lua-dao.html