Cạnh tranh thương hiệu hoa hậu

(HQ Online)- Cuộc thi Hoa hậu Bản Sắc Việt toàn cầu 2016 khép lại bằng đêm chung kết 7-8-2016, với sự đăng quang của cô sinh viên 20 tuổi Trần Thị Thu Ngân đang du học tại Thụy Sỹ. Một chiếc vương miện Hoa hậu đã xuất hiện, trước khi chiếc vương miện Hoa hậu VN 2016 được xác định vào đêm 28-8-2016. Liên tục những nhan sắc được tôn vinh, mà thị phi kèm theo cũng không ít.

Dù chất lượng thí sinh không vượt trội, nhưng đêm chung kết Hoa hậu Bản Sắc Việt toàn cầu 2016 diễn ra tại Sầm Sơn – Thanh Hóa khá hoành tráng. Sân khấu lộng lẫy với pháo hoa và ánh sáng rực rỡ, khiến công chúng le lói niềm tin rằng những người đẹp nước ta đã bắt đầu có đẳng cấp khác, bởi sự đầu tư của các tập đoàn hùng mạnh. Hoa hậu Bản Sắc Việt toàn cầu do tập đoàn FLC đăng cai, cũng giống như trước đây Hoa hậu Thế giới Người Việt do tập đoàn VinGroup đăng cai, hoặc Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam do tập đoàn Hoàn Cầu đăng cai. Mỗi đơn vị tài chính đứng sau lưng một cuộc thi nhan sắc là xu hướng chung của thế giới. Không chỉ quảng cáo thương hiệu, cuộc thi nhan sắc cũng có thể xem như một kênh đầu tư. Ứng viên Tổng thổng Mỹ - Donald Trump đã từng mua lại bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ và kinh doanh rất có lãi.

Bây giờ Việt Nam cũng đã có đại gia sẵn sàng chi tiền để tôn vinh cái đẹp. Thế nhưng, tầm vóc của các cuộc thi nhan sắc không vì vậy mà được nâng lên. Sau một thời gian lạm phát các cuộc thi Hoa hậu từ trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý văn hóa đã có văn bản siết lại việc cấp phép tổ chức. Quy định mỗi năm chỉ có một cuộc thi nhan sắc quy mô toàn quốc xem chừng tiêu diệt được các cuộc thi nhan sắc lôm côm ở cấp huyện và cấp… hội chợ, mà vẫn chưa phát huy được hiệu quả chấn chỉnh những bất cập xung quanh cơn thèm khát danh hiệu.

Tại đêm chung kết Hoa hậu Bản Sắc Việt toàn cầu, một trong năm câu hỏi đưa ra để thí sinh trổ tài ứng xử là “Hoa hậu Bản sắc Việt cần làm gì để không bị lẫn với các cuộc thi khác?”. Xin thưa, chính những vị giám khảo đạo mạo và uy nghiêm cũng không thể trả lời rành mạch. Nội dung câu hỏi này cũng chính là mấu chốt cần giải quyết của sự nhập nhằng các danh hiệu Hoa hậu hiện nay. Để lách quy định mỗi năm chỉ có một cuộc thi nhan sắc mang tính toàn quốc, thì người ta sáng tạo ra những cái tên có vẻ khác biệt và tầm vóc kỳ vĩ hơn. Bỏ qua những tiểu xảo ngôn từ thơm tho được thêu dệt trong các đề án của ban tổ chức, thì khán giả không tài nào phân biệt được Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt và Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu. Và không ai dám khẳng định, những cuộc thi có tên gọi mỹ miều ấy sẽ có sức tác động đến công chúng nhiều hơn Hoa khôi Áo dài hoặc Hoa hậu Biển, hoặc Nữ hoàng trang sức.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/canh-tranh-thuong-hieu-hoa-hau.aspx