Cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm: 'Nhân tố bí ẩn' FWD Group

Đặt chân vào thị trường Việt Nam khá muộn so với các đối thủ khác, nhưng FWD (DN bảo hiểm thuộc Tập đoàn Pacific Century Group) sẽ khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm gay gắt hơn.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2015 ước đạt 36.650 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ

Tham vọng của FWD có thể nhìn thấy ngay qua cách mà doanh nghiệ p bảo hiểm này tiến vào thị trường Việt Nam. Thay vì vào một cách từ từ qua con đường mở văn phòng chính và thiết lập các mạng lưới đại lý tại đây, FWD đã chọn cách vào nhanh hơn qua con đường thâu tóm lại một DN bảo hiểm khác đã có sẵn trên thị trường.

Biểu đồ thị phần thị trường bảo hiểm

Mua bán, sáp nhập…

FWD tuần này thông báo rằng DN bảo hiểm này đã được các cơ quan chức năng cấp phép để tiến hành các thủ tục mua lại Great Eastern Việt Nam trực thuộc tập đoàn bảo hiểm Cty nhân thọ Great Eastern tại Singapore và Malaysia. Theo đó, FWD sẽ bỏ ra 48,2 triệu đô la Singapore (35, 6 triệu USD), để mua lại toàn bộ hoạt động của Great Eastern tại Việt Nam.

Thông qua việc thâu tóm lại Great Eastern, FWD tuyên bố có tầm nhìn trở thành Cty bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam.

Bước tiến vào thị trường Việt Nam sẽ là cột mốc hết sức quan trọng cho chiến lược phát triển đầy tham vọng của FWD tại thị trường Đông Nam Á”, ông Huỳnh Thanh Phong, TGĐ điều hành Tập đoàn FWD, chia sẻ về ý nghĩa của thương vụ này.

Ông Phong cho biết FWD đang mở rộng và vươn đến các thị trường chưa được khai thác hết trong khu vực, nhằm hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn lâu dài là trở thành Cty bảo hiểm hàng đầu tại châu Á.

Người đứng đầu FWD cũng nhận định rằng kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua quá trình chuyển đổi tích cực, cùng với đó là tỷ lệ tham gia bảo hiểm tại Việt Nam còn khá thấp.

Bài liên quan:

Thị trường bảo hiểm: Điểm sáng trong “gam trầm”
Thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh
Mở cửa thị trường bảo hiểm: Chưa được quan tâm đúng mức!

“Hai yếu tố đó giúp chúng tôi nhìn thấy cơ hội to lớn cho một doanh nghiệp bảo hiểm có nguồn gốc từ châu Á, đáp ứng nhu cầu bảo vệ của hàng triệu khách hàng tại thị trường Việt Nam” ông Phong nhấn mạnh.

Với số lượng hợp đồng có hiệu lực mới chỉ ở mức 5,7 triệu hợp đồng vào năm ngoái, trong khi dân số VN đã xấp xỉ 100 triệu người, thì dư địa để phát triển thị trường là rất lớn.

Tham vọng “gây bão” thị trường

Việc FWD mua lại Great Eastern sẽ chả có gì đáng nói nếu như nhìn đây là một thương vụ M&A thông thường. Nhưng với tuyên bố muốn trở thành hãng bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam của FWD, có thể thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sắp tới sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn giữa các nhà cung cấp dịch vụ.

Báo cáo từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, cho biết tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2015 ước đạt 36.650 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ. Số lượng hợp đồng có hiệu lực ước đạt 5,7 triệu hợp đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Với số lượng hợp đồng có hiệu lực mới chỉ ở mức 5,7 triệu hợp đồng vào năm ngoái, trong khi dân số VN đã xấp xỉ 100 triệu người, thì dư địa để phát triển thị trường là rất lớn.

Tuy nhiên, nếu muốn trở thành hãng bảo hiểm lớn nhất ở Việt Nam, FWD sẽ có rất nhiều việc phải làm để vượt qua rất nhiều đối thủ to lớn trước mặt. Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Prudential với 29,9% thị phần, Bảo Việt Nhân thọ đứng vị trí thứ hai với 25,7% thị phần, và Manulife đứng thứ ba 12,1% thị phần. Các hãng bảo hiểm khác như AIA, Dai-ichi, ACE, PVI Sun Life, Hanwha Life hay Great Eastern đều chiếm thị phần rất nhỏ… Có lẽ cũng chính vì không chiếm được thị phần cao, Great Eastern đã phải rời bỏ thị trường Việt Nam. Ông Khor Hock Seng, TGĐ Tập đoàn Great Eastern, chia sẻ rằng việc rút khỏi thị trường Việt Nam là để Great Eastern tập trung vào việc phát triển các thị trường chính yếu tạiSingapore và Malaysia, cũng như phát triển hoạt động kinh doanh tại Indonesia và Brunei. Điều đó có nghĩa Việt Nam không còn được Great Eastern coi là thị trường chính yếu nữa.

Còn về phía FWD, Cty này sẽ giành giật thị phần như thế nào vẫn còn là câu hỏi cần thời gian trả lời. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử phát triển của FWD thì cũng có thể tin rằng tập đoàn bảo hiểm này có thể làm nên chuyện ở Việt Nam. Dù mới được thành lập từ năm 2013, tức là còn rất trẻ, nhưng FWD – dưới sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ là Pacific Century Group – đã nhanh chóng mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia châu Á. Hiện FWD đã có mặt tại thị trường Hong Kong, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Macau và có cả văn phòng đại diện tại Thượng Hải, Trung Quốc. Doanh thu riêng tại thị trường Hong Kong của FWD năm ngoái đã đạt hơn 266 triệu đô la Hong Kong, tương đương hơn 34 triệu USD.

Để có thể cạnh tranh được ở Việt Nam, FWD cho biết có kế hoạch đầu tư đáng kể vào việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cải thiện những trải nghiệm và hình thức giao dịch giữa khách hàng và công ty. Ông Phong cũng chia sẻ rằng FWD sẽ duy trì và phát triển đội ngũ nhân sự hiện tại, đồng thời sẽ chủ động tuyển dụng đội ngũ quản lý giỏi, giàu kinh nghiệm về thị trường Việt Nam để điều hành Cty.

Với những kế hoạch như vậy, thị trường bảo hiểm nhân thọ sắp tới sẽ chờ đợi một cuộc đua mới từ một thương hiệu còn mới nhưng mạnh về tiềm lực tài chính.

Ngọc Linh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/canh-tranh-tren-thi-truong-bao-hiem-nhan-bi-fwd-group.html