Cấp sách chữ nổi cho... học sinh sáng mắt

PN - Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến đối với báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Không dùng từ “thất bại” nhưng nội dung của báo cáo giám sát đã đưa ra những con số cho thấy sự đổ vỡ của chủ trương phân ban ở cấp THPT. Ghi nhận “phân ban ở cấp THPT không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi cho biết, việc tổ chức chương trình THPT hiện nay gần như không còn là phân ban theo đúng ý nghĩa của nó, mà thực chất là dạy học phân hóa theo các khối thi đại học.

Từ năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh (HS) lớp 10 học ban cơ bản, chỉ hơn 14% HS học ban khoa học tự nhiên, xấp xỉ 2% HS học ban khoa học xã hội và nhân văn. Kết quả giám sát tại các địa phương cũng cho thấy, hầu hết các trường THPT, kể cả những trường THPT chuyên, đều chỉ tổ chức dạy học theo ban cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi đại học theo lựa chọn của HS. “Như vậy, việc thực hiện phân ban ở cấp THPT đã không thành công” - ông Đào Trọng Thi nói.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai góp ý: “Báo cáo giám sát đã mạnh dạn nói phân ban thất bại, vậy tới đây, phân hóa ở giáo dục phổ thông sẽ như thế nào?”.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Về chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông (CT- SGK), bên cạnh một số mặt tích cực, đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra CT- SGK được biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong CT-SGK chưa thật sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến quá tải. Đoàn giám sát cũng nêu rõ, tình trạng đồ dùng dạy học kém chất lượng, không sử dụng được hoặc không được sử dụng vì không có phòng học bộ môn, năng lực sử dụng của giáo viên còn hạn chế, đồ dùng dạy học không phù hợp còn tương đối phổ biến. Đoàn giám sát nêu ví dụ: “Có những nơi, cơ sở giáo dục không có một HS khuyết tật (khiếm thị) nào nhưng lại được cung cấp rất nhiều đồ dùng học tập là sách chữ nổi dành cho người khiếm thị, trong khi những nơi cần (như Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) thì số lượng sách chữ nổi được cung cấp rất hạn chế. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn”.

Nhìn thẳng vào thực tế, đoàn giám sát nhận xét: “Quản lý Nhà nước về giáo dục vẫn tồn tại tình trạng quan liêu, bao cấp; còn ôm đồm, sự vụ. Công tác chỉ đạo, điều hành còn nhiều bất cập, chậm đưa ra những quyết sách đồng bộ, hiệu quả ở tầm vĩ mô. Một số bức xúc trong xã hội vẫn chưa được khắc phục như: tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; lạm thu trong nhà trường; tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục...”.

Góp ý báo cáo giám sát, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói: “Tôi chưa hài lòng vì báo cáo chưa nêu được vấn đề then chốt để tháo gỡ cho SGK. Qua ba đời bộ trưởng nhưng “cuộc chiến” SGK vẫn chưa dừng. Góp ý, trao đổi nhiều lắm rồi nhưng sao CT-SGK vẫn chưa hạ màn? Phải làm rõ những cuộc cải cách SGK có gì mới? Còn cái gì cần khắc phục sửa chữa? Đừng cứ tranh luận mãi không có hồi kết”.

Tự nhận mình là “người ngoại đạo” nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, muốn cải cách thành công, ngành giáo dục phải chiến thắng chính mình, kìm lại lợi ích của ngành để vì cộng đồng, xã hội. Ông kể: “Tôi có hỏi người bạn làm công tác giảng dạy xem có biết được những bất cập, chồng chéo của ngành không, ông ta nói là có biết cả nhưng nếu cải cách thì số giáo viên thừa ra sẽ bỏ đi đâu?”.

PHƯƠNG MAI

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/giao-duc/cap-sach-chu-noi-cho-hoc-sinh-sang-mat/a99877.html