Cáp treo – được và mất

Năm 2009, Công ty Phát triển Raon Land đã thuyết phục chính quyền đảo Jeju (Hàn Quốc) về một dự án tăng khách du lịch đầy hứa hẹn mà một trong những nhân tố then chốt là xây dựng tuyến cáp treo từ đảo này sang đảo nọ giúp cho du khách có được trải nghiệm độc đáo. Tuy nhiên, ngay lập tức nó đón nhận sự phản biện kịch liệt.

Trong lịch sử cáp treo, phương tiện này là một giải pháp hữu hiệu để phục vụ giao thông công cộng tại những thành phố có địa hình đồi núi. Nó rất có ý nghĩa đặc biệt là cho phụ nữ, người già, trẻ nhỏ. Phản ứng phụ của cáp treo chính là tăng lượng khách du lịch để chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên và đô thị. Chính bởi vậy, nhiều thành phố trước đây coi cáp treo là điều lố bịch nhưng giờ đây nó đã trở thành một cuộc cách mạng trong giao thông công cộng và từ đó khai thác triệt để nguồn lợi du lịch. Đã có nhiều thành phố hồi sinh nhờ cáp treo, đặc biệt tại châu Mỹ Latin như Rio de Janeiro (Brazil),Santo Domingo (Colombia), Ankara, (Thổ Nhĩ Kỳ).

Tuy nhiên, đối với một khu vực cần tôn trọng đa dạng sinh học và diện tích có hạn như đảo Jeju, những ưu điểm của cáp treo tự nhiên triệt tiêu sự tồn tại của nó. Để làm cáp treo nhà thầu buộc phải có một cuộc điều trần trước chính quyền, công dân và giới khoa học để tiếp thu ý kiến, điều hiếm có tại Việt Nam. Kênh lấy thông tin thông qua cổng thông tin trực tuyến của chính quyền đảo. Dẫu có thái độ thành khẩn là vậy nhưng Cy Raon vẫn bị các nhóm bảo vệ môi trường phê phán kịch liệt khi họ bỏ qua khâu thăm dò dư luận để dùng đó làm cơ sở khẳng định cho những luận điểm của mình. Điều này là rất quan trọng nhằm tránh những cụm từ "toàn dân ủng hộ" vốn vô cùng mù mờ, không định lượng nhưng hay dùng làm cơ sở, quyết sách của các tập đoàn.

Nguồn lợi du lịch là lực hút dẫn đẫn quyết định của chính quyền địa phương bởi con số nhà thầu cho thấy, chỉ cần một hệ thống cáp treo, lượng khách có thể tăng lên 20 lần. Tuy nhiên điều này kéo theo những nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đa dạng và vốn dĩ rất mong manh xung quanh các hòn đảo. Điều này sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng trong quá trình tiến hành xây dựng hệ hống cáp treo. Sau khi hoàn thành hệ thống, lượng khách tăng lên cũng sẽ kéo theo làn sóng xây dựng hạ tầng ồ ạt để phục vụ nhu cầu, điều không thể tránh khỏi.

Vậy, làm sao để có một lựa chọn tại những địa điểm du lịch cần bảo toàn sinh thái như Jeju? Cách đây 6 năm, địa danh Machu Pichu cũng đã bắt đầu trở thành nạn nhân của 400.000 lượt khách du lịch mỗi năm. Chính bởi vậy các đề nghị xây cáp treo từ các tập đoàn luôn chịu sự phản đối kịch liệt từ các tổ chức bảo vệ mội trường và di sản. Ngược lại chính quyền Peru cũng chịu một sức ép tài chính đầy hứa hẹn từ các tập đoàn. Những cuộc giằng co dân sự này luôn cho thấy, cáp treo có thể rất hữu ích đối với những nơi có hạ tầng tốt như một thành phố, tuy nhiên, nó là mối hiểm họa đối với các địa danh du lịch thiên nhiên.

Tuy vậy, tại Việt Nam, cáp treo được quyết xây như thế nào, có qua trao đổi và thu thập ý kiến của các tổ chức môi trường, chuyên gia ra sao không ai biết. Các đánh giá môi trường đến tay ai cũng là điều bí ẩn. Cáp treo tại Bà Nà rồi Fanxipan có thể rất hữu ích cho những người chân yếu tay mềm đến một vài lần để thăm thú sự hùng vĩ của thiên nhiên nhưng các mất mát về cảnh quan và ảnh hưởng đối với môi trường tự nhiên thì... không ai biết. Sự tôn trọng với thiên nhiên còn được thể hiện theo một cách rất Việt Nam bằng một ngôi chùa hoành tráng trên đỉnh núi, điều vốn xa lạ vô cùng với Fansipang mà những người đã trót yêu sự hoang dã của nó cảm thấy đó là một mất mát không bao giờ bù đắp được.

Xem thêm:

Minh Quốc

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/cap-treo-%e2%80%93-duoc-va-mat